Thậm chí, nhiều người còn trở thành những ông chủ tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật...
Anh Đào Văn Tuấn - Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Ba Vì. |
Từ nhỏ anh Tuấn đã mang dị tật bẩm sinh ở chân nhưng không vì khiếm khuyết đó mà anh nản lòng. Anh luôn đồng cảm với những người kém may mắn như mình và luôn trăn trở muốn giúp đỡ người khuyết tật vượt qua khó khăn, mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng, giúp cho những người cùng cảnh ngộ có được cuộc sống sinh hoạt như cuộc sống của bao người dân bình thường. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn cho biết: Việc vận động người bình thường tham gia các hoạt động công tác xã hội là một việc làm khó, đối với người khuyết tật lại càng khó khăn hơn vì họ luôn bị tự ti và mặc cảm đối với bản thân. Tuy nhiên, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng cùng sẻ chia, cảm thông chân thành tấm lòng của mình, cùng động viên những người kém may mắn trong cuộc sống, tạo điều kiện giúp họ hòa nhập hơn.
Anh Tuấn tận tâm chỉ bảo, chia sẻ với người khuyết tật tại xưởng may của mình. |
Và không quản ngại khó khăn, vất vả, anh Tuấn lặn lội tới từng tận thôn, xã trên địa bàn huyện Ba Vì để tuyên truyền, vận động những người khuyết tật tham gia sinh hoạt hội. Đến nay, Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì hiện nay đã thu hút được 358 thành viên đến từ khắp các xã trên địa bàn huyện. Với mục đích hoạt động, là nơi giao lưu, học hỏi, nâng cao năng lực và tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật kém may mắn, Ban lãnh đạo Hội đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho mọi người như: Dạy may, lớp dạy nhiếp ảnh, lớp dạy những kĩ năng trong chăn nuôi, trồng trọt... Đồng thời, Hội Người khuyết tật còn đứng ra làm thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách cho những thành viên có nhu cầu phát triển nghề nghiệp. Từ đó, nhiều tấm gương lao động sản xuất giỏi xuất hiện, điển hình như chị Nguyễn Ngọc Nam, ở xã Tản Hồng. Với ý nghĩ “dù tàn nhưng không phế” chị đã nỗ lực vươn lên để sản xuất kinh tế, tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Hay hội viên khác là anh Ngọc Anh, ở xã Tản Lĩnh, với nghị lực của bản thân cũng như sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo Hội người khuyết tật huyện Ba Vì, anh đã tự mình lập ra một xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ, sản xuất hàng dân dụng hàng ngày phục vụ người dân, tạo công ăn việc làm cho một nguồn nhân lực lớn. Thu nhập hàng năm của gia đình anh lên tới hàng chục triệu đồng. Riêng bản thân anh Tuấn (Chủ tịch Hội), đã đứng ra vay vốn và tự mình lập một xưởng may nhỏ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều thành viên trong hội. Ngoài việc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên, Hội người khuyết tật Ba Vì cũng thường xuyên tổ chức những chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm cho các thành viên ở khắp các huyện trên địa bàn Hà Nội. Từ những chuyến đi như vậy, nhiều mô hình sản xuất kinh tế đã được các thành viên trong Hội áp dụng và phát triển thành công. Anh Đào Văn Tuấn cho biết thêm, Hội cũng thường xuyên giao lưu, liên lạc với nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện như ADCD, AFCD… thu hút nhiều dự án, góp phần tạo công ăn việc làm, tiếp cận thêm nhiều kiến thức mới cho các hội viên. Chia sẻ với chúng tôi về anh Tuấn, nhiều thành viên trong Hội người khuyết tật Ba Vì cho hay: “Chúng tôi vẫn coi anh như là anh cả, là người thắp sáng niềm tin, khát khao sống, khát khao cống hiến cho những người có số phận kém may mắn. Với niềm tin được tiếp sức, các hội viên sẽ tự mình vươn lên, không mặc cảm với số phận, sống và hoà nhập với cộng đồng và đóng góp sức mình đối với sự phát triển của xã hội !”.