ĐT không thể ghi bàn do không có sự phục vụ của Công Vinh, Văn Quyết - những tiền đạo tốt nhất lúc này.
Đội hình không tiền đạo
Trong trận đấu tập với Hà Nội T&T, HLV Hữu Thắng đã tung ra một đội hình gây sốc: ĐT chơi với sơ đồ 4 -1 - 4 - 1 với người đá cao nhất là Hoàng Thiên. Thế nhưng, nhìn kỹ thì sẽ thấy, đó là sắp xếp về mặt lý thuyết, còn thực tế, ĐT đá với sơ đồ 4 - 6 - 0 như ĐT Tây Ban Nha hoặc Barca trong nhiều thời điểm. Hoàng Thiên - cầu thủ được giao nhiệm vụ trung phong cắm vốn dĩ là một tiền vệ. Sang hiệp 2, khi được tung vào sân thì Đình Tùng vẫn có thiên hướng chơi lùi - vị trí sở trường khi khoác áo FLC Thanh Hóa, bởi anh có thể hình nhỏ con, không mạnh về khả năng tì đè, không chiến. Một tiền đạo khác của ĐT là Nguyễn Văn Toàn được HLV Hữu Thắng bố trí đá tiền vệ phải. Đây cũng là vị trí sở trường của Văn Toàn dưới thời ông Miura dẫn dắt ĐT U23. Một cầu thủ khác cũng có thiên hướng tấn công là Thành Lương được HLV Hữu Thắng bố trí ở hành lang trái hàng tiền vệ.
Nhiều người cho rằng, việc ông Thắng bố trí một đội hình không tiền đạo ở ĐT là chuyện vạn bất đắc dĩ. Trong trận đấu đó, ông Thắng không có sự phục vụ của 3 tiền đạo tốt nhất hiện nay là Công Vinh, Anh Đức (dự AFC Champions League), Văn Quyết (bị kỷ luật). Và đến lúc này, ông Thắng chỉ có được sự phục vụ của Công Vinh. Anh Đức - người chơi rất tốt thời gian gần đây và là hình mẫu của một tiền đạo cắm đã tuyên bố rút khỏi ĐT vì không còn động lực thi đấu. Trong khi đó, dù rất muốn khẳng định nhưng Văn Quyết sẽ vắng mặt trong 2 trận đấu tới của ĐTQG.
Vấn đề của nền bóng đá
Trong 10 năm qua, bóng đá Việt Nam đã quá quen với 3 gương mặt nổi bật là Công Vinh, Anh Đức và Văn Quyết. Họ không có đối thủ cạnh tranh. Hay nói chính xác là nền bóng đá không sản sinh ra những mẫu tiền đạo toàn năng như các cầu thủ này. Mới đây, Công Phượng, Văn Toàn và đâu đó là Tuấn Tài trình làng khá ấn tượng nhưng xét về mọi mặt, họ khó có thể trở thành những mẫu trung phong hoàn hảo. Công Phượng có thiên hướng đá lùi như một hộ công, trong khi Văn Toàn chơi tốt hơn khi đá ở vị trí tiền vệ phải. Cả hai cầu thủ này đều không có thể hình, khả năng va chạm tốt nên khó có thể chơi trung phong thực thụ.
Và thế là dù rất sốt ruột nhưng ĐTQG qua nhiều đời HLV vẫn phải sử dụng Công Vinh, Anh Đức và Văn Quyết. Nhưng, thời gian qua, Công Vinh thường xuyên phải ngồi ghế dự bị ở Bình Dương do không cạnh tranh được với các tiền đạo ngoại. Anh Đức và Văn Quyết để tìm vị trí cũng phải chấp nhận việc dạt ra biên, chơi như một tiền vệ cánh, hoặc một tiền vệ công. Vậy nên, xét về số bàn thắng, dấu ấn của họ trong mùa giải vừa qua không nhiều.
ĐTQG phải nuôi giấc mơ từ những cầu thủ đã quá cũ, hoặc năng lực ghi bàn đang bị đặt dấu hỏi. Đấy là thực tế. Nhưng, đó không phải là vấn đề của Công Vinh, Anh Đức, Văn Quyết, HLV Hữu Thắng và thậm chí cả ĐTQG. Mà đó là vấn đề của nền bóng đá. Một nền bóng đá mà các đội bóng ưu tiên tuyệt đối cho tiền đạo ngoại thì không có chỗ cho các tiền đạo nội trui rèn bản lĩnh. Phải là những cầu thủ có năng lực đặc biệt mới tìm được vị trí, còn các cầu thủ trẻ thì hoặc phải đổi cách chơi, hoặc chấp nhận làm bạn với băng ghế dự bị. Cũng chính vì điều này mà nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam không giới thiệu được một tiền đạo đúng nghĩa.
Vậy nên, muốn giải được cơn khát trung phong cắm thì các nhà quản lý bóng đá và bản thân các ông bầu phải có được một sự đồng thuận về định hướng phát triển. Họ phải chăm chút cho hệ thống đào tạo và dám hành động vì tương lai của ĐT chứ không phải xúc cảm cá nhân sau mỗi pha ghi bàn của tiền đạo ngoại. Tất nhiên, để có được một nhận thức chung như vậy thật chẳng dễ dàng.
Một pha tranh bóng trong trận giao hữu giữa Đội tuyển quốc gia và Hà Nội T&T.
|