Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấp thỏm với lãi suất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước động thái tăng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng (NH) thời gian gần đây cho thấy khả năng một chu kỳ chạy đua mới sắp diễn ra, khiến lãi suất cho vay có nguy cơ tăng theo.

Lãi suất huy động tăng theo mùa vụ

Những ngày gần đây lần lượt các NH như: Viet Capital Bank, Bac A Bank, TPBank, Eximbank, SCB, ACB,... và cả những hàng lớn như Sacombank, Techcombank, Vietinbank đều tăng lãi suất huy động. Thông thường cuối năm là thời điểm các NH đẩy mạnh huy động vốn bởi nguồn tiền trong dân cư dồi dào hơn, nhu cầu gửi tiết kiệm cũng cao hơn nhờ các khoản lương, thưởng, kiều hối từ nước ngoài gửi về.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh OceanBank. 	Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh OceanBank. Ảnh: Trần Việt
Ngoài việc ưu đãi lãi suất, nhiều NH còn triển khai các chương trình khuyến mại, tặng quà để thu hút khách. Theo lý giải của các NH, động thái này chủ yếu nhằm cân đối lại nguồn vốn, tức thu hút vốn kỳ hạn dài nhiều hơn, phục vụ cho vay trung dài hạn. Thời điểm cuối năm, nhu cầu vay của DN đang tăng lên, vì vậy, NH đã tăng lãi suất huy động để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay. Hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm. Động thái tăng lãi suất huy động tại nhiều NH khiến không ít DN lo lắng, lãi suất huy động tăng có thể khiến lãi cho vay bị đẩy lên theo.

Doanh nghiệp lo lắng
Ngân hàng Nhà nước bất ngờ điều chỉnh giá USD
Ngày 15/12, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ điều chỉnh giá USD ở chiều mua vào thêm 90 đồng sau nhiều ngày giữ ổn định ở mức 21.800 đồng. Cụ thể, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được niêm yết ở mức 21.890 - 22.475VND/USD (mua vào - bán ra). Theo đó, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh giá USD ở chiều mua vào sau khi đã điều chỉnh tăng chạm trần ở chiều bán ra.
Cụ thể, Vietcombank hiện niêm yết giá USD mua vào - bán ra ở mức 22.540 - 22.547VND/USD. Mức giá này đã chạm mức 22.547 VND/USD của NHNN, còn ở chiều mua vào, ngân hàng này đã điều chỉnh tăng thêm 65 đồng so với cùng thời điểm ngày 14/12.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 21.890 đồng, với biên độ dao động trong phạm vi +/-3%, với giá USD bán ra ở mức 22.547 đồng, các ngân hàng đã chạm trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Đại diện NHNN Việt Nam cho biết, với những biện pháp điều chỉnh thời gian qua, tỷ giá có dư địa đủ lớn để linh hoạt ứng phó trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Nếu Fed tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng đến định hướng ổn định tỷ giá của NHNN. (Quỳnh Hoa)

Do cuối năm đang vào mùa sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu vay vốn của các DN vẫn cao. Mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho hay, NH đang dư thừa vốn, sẵn sàng tạo điều kiện để DN vay vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy đã được lãnh đạo NHNN “trấn an”, song nhiều DN vẫn như “ngồi trên lửa”.

Giám đốc một công ty trong lĩnh vực dệt may có trụ sở tại phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) cho biết vừa vay 3 tỷ đồng làm nguồn vốn lưu động với lãi suất 9% một năm và được điều chỉnh sau ba tháng. "Với mức lãi suất hiện tại thì công ty chấp nhận được, nhưng chúng tôi đang lo là sau vài tháng nữa, khi NH điều chỉnh mức mới thì sợ lãi suất cho vay sẽ tăng lên do đầu vào thời gian gần đây đang có dấu hiệu đi lên" - vị giám đốc này chia sẻ.

Đối với DN sử dụng vốn vay NH, lãi suất là một yếu tố của chi phí sản xuất, kinh doanh. Nếu lãi suất cho vay biến động tăng mạnh và ngoài dự kiến của DN, trong khi các yếu tố khác về thị trường, giá bán... không thay đổi, sẽ có tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh, ảnh hưởng đến tình hình tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng.

Theo thống kê của NHNN, tín dụng đến cuối tháng 11/2015 đã tăng 14,5%. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhận định, nhiều khả năng, tín dụng đến cuối năm sẽ tăng 16,5 - 17%. “Thứ nhất, do tính chất mùa vụ, nhu cầu vốn cho tín dụng và thanh khoản cuối năm tăng cao có thể gây áp lực lên huy động vốn. Trong bối cảnh đó, trên quan điểm thận trọng, các NH sẽ khó có thể giảm thêm lãi suất huy động. Lãi suất cho vay theo đó cũng sẽ duy trì ổn định. Thứ hai, với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra, các NH sẽ duy trì chính sách lãi suất như hiện tại để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn và tín dụng” - Tổng Giám đốc một NH lớn chia sẻ.

Lãi suất giảm trong những tháng cuối năm vốn đã không còn nằm trong sự hy vọng của DN nhưng nỗi lo về sự tăng lãi suất trong năm 2016 cứ ngày một lớn dần. Thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam còn cao so với nhiều nước trong khu vực và việc giảm lãi suất không chỉ là đòi hỏi chính đáng của DN. Vì vậy, trong bối cảnh NH nhìn nhau tăng lãi suất, DN lo lắng, thấp thỏm như hiện nay, có lẽ NHNN cần sớm đưa ra thông điệp mới về chính sách điều hành lãi suất năm 2016.
Lạm phát hiện rất thấp, nhưng nếu NH tiếp tục hạ lãi suất, thì có khả năng tiền từ dân cư sẽ chảy sang kênh USD hoặc kênh đầu tư khác sinh lời hấp dẫn hơn, như bất động sản, chứng khoán, vàng… Ngoài ra, trong bối cảnh nhu cầu huy động trái phiếu Chính phủ tăng và lãi suất trái phiếu đẩy lên cao thì làm sao mà lãi suất cho vay của NH lại có thể thấp hơn? Trong bối cảnh hiện nay, từ đầu năm 2016 có thể giảm lãi suất được không? Đây là bài toán rất khó giải của NHNN.
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Thông thường, lãi suất huy động phải tăng hơn 1% mới có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, nên DN đang chờ đợi động thái mới của thị trường để quyết định mức vay hợp lý. Mặt bằng lãi suất hiện vẫn còn cao, nếu thời gian tới, lãi suất cho vay nhích lên sẽ tạo áp lực lớn cho DN, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu, rộng như hiện nay.
Ông Nguyễn Tiến Chinh - Giám đốc Công ty TNHH Phước Long, DN chuyên sản xuất bao bì tại Hưng Yên