Rằng, các nhà quản lý bóng đá sẽ có một công cụ hữu hiệu để đấu tranh chống tiêu cực trong bóng đá mà không sợ những rào cản vô hình như đã từng xảy ra trong quá khứ. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm hoạt động, Ban Đạo đức đã phải tự giải thể vì thiếu hiệu quả và không thể bén rễ sâu vào đời sống bóng đá.
“Đánh” tiêu cực không cần bằng chứng?
Trước đây, mỗi khi xử lý một nghi án tiêu cực trong bóng đá, VFF thường đau đầu với câu hỏi: "chứng cứ đâu". Thậm chí, có những nghi án gây bức xúc lớn trong dư luận nhưng không thể đưa ra kết luận vì thiếu chứng cứ buộc tội. Thế nên, các nhà tổ chức đã nảy ra ý nghĩ cần phải tạo ra cơ chế để đấu tranh chống tiêu cực một cách hiệu quả. Theo đó, Ban Đạo đức vốn có thành phần là những chuyên gia bóng đá uy tín cùng đại diện giới truyền thông sẽ đóng vai trò của một cơ quan phản biện, tư vấn cho cơ quan quản lý đưa ra quyết định của mình.
Theo Phó Ban Đạo đức Nguyễn Văn Vinh (phải), các vấn đề mà ban cảnh báo cũng như yêu cầu VPF phải có động thái đều không được thực thi. Ảnh: Quang Liêm
|
Thực tế, Ban Đạo đức đã có những tư vấn nhất định cho Ban Kỷ luật VFF trong mỗi lần lượng hình vi phạm bóng đá. Thế nhưng, mô hình đánh tiêu cực không cần bằng chứng lại bị phản ứng rất gay gắt từ dư luận và đặc biệt là giới bóng đá. Người ta cho rằng, với những đánh giá có phần cảm tính, không có thông tin một cách chính xác, Ban Đạo đức có thể đưa ra những tư vấn sai lệch với bản chất vấn đề.
Và cũng chính vì phản ứng với những nhận định của Ban Đạo đức mà lãnh đạo CLB XMXT.SG đã đi đến quyết định giải tán đội bóng, tạo ra cuộc khủng hoảng ở V - League 2013 vì cho rằng, mình bị đối xử thiếu công bằng. Ngay chính những nhà quản lý bóng đá nước nhà cũng cho rằng, nhiều vụ việc, Ban Đạo đức VPF đã không có những bước đi và phát ngôn linh hoạt, chuẩn xác đối với các vụ việc nhạy cảm đã tạo ra hệ lụy tiêu cực. Cụ thể, việc một thành viên Ban Đạo đức đã thông tin chưa chuẩn về nghi án tiêu cực trận tranh Siêu Cúp quốc gia 2012 cho báo chí khiến dư luận một phen nổi sóng. Cũng chính vì điều này, một quan chức của VFF đã yêu cầu Ban Đạo đức phải chịu trách nhiệm với những khủng hoảng không đáng có của nền bóng đá bằng cách "tự giải tán".
Không thể “chuyền bóng”
Từ chỗ kỳ vọng, người ta đã thất vọng vì cách thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp và kém hiệu quả của Ban Đạo đức. Rút cuộc, người ta dần bỏ qua những tư vấn của Ban này. Điều này khiến các thành viên của Ban cảm thấy mình không nhận được sự tôn trọng nên đã đi đến quyết định tiêu cực là "chấm dứt hoạt động".Người ta bảo, Ban Đạo đức giải thể là sự thất bại của một mô hình chống tiêu cực trong bóng đá. Thế nhưng, nhiều người lại cho rằng, sự chấm dứt này là cần thiết, bởi làng bóng đá Việt Nam phải đối diện với những vấn đề của mình, trong đó có đấu tranh chống tiêu cực. Rằng, VPF có cả một bộ máy với rất nhiều nhân lực, phương tiện cùng sự phối hợp của nhiều ban, ngành phải có những kế hoạch nhằm loại bỏ tiêu cực ra khỏi nền bóng đá. Không ai hiểu bóng đá hơn họ và cũng chẳng ai có đủ quyền năng như họ trong vấn đề xử lý những vi phạm. Có chăng, sự giải thể của Ban Đạo đức khiến VPF và bộ phận chuyên môn của mình phải đối diện với nguy cơ "va chạm" với các đội bóng thay vì “chuyền bóng” cho người khác. Thế nhưng, muốn có “bóng đá sạch” thì người ta phải đủ bản lĩnh để đối diện với mọi sức ép và có phương pháp giải quyết những vấn đề khó.