Thật giả trên truyền thông

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây có chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc mà đối với thế giới bên ngoài thì đúng như câu ngạn ngữ “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Trên truyền thông, thật sự không biết thật giả thế nào.

 Ảnh minh họa
Trước tiên, phía Trung Quốc tuyên cáo là đã đuổi tàu chiến của Mỹ ra khỏi vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là của Trung Quốc ở xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Vùng biển này Trung Quốc đã đánh chiếm và chiếm đóng trái phép, bất chấp luật pháp quốc tế từ nhiều năm nay. Phía Mỹ đáp trả ngay bằng phát ngôn rằng hoàn toàn không có chuyện tàu chiến USS John McCain của Mỹ bị hải quân Trung Quốc đuổi đi mà đã thực hiện tuần dương cũng như tự do hàng hải trên biển như bình thường.
Cái chung duy nhất giữa hai bên trong chuyện này là con tàu chiến của Mỹ đã hoạt động ở khu vực Biển Đông. Phần cuối của câu chuyện được mỗi bên trình bày theo một kiểu và đương nhiên trái ngược nhau. Sự thật trong chuyện này như thế nào thì chỉ có hai bên mới tường tận.
Dù vậy, bên nào cũng có được hiệu ứng truyền thông riêng. Điều họ cần và muốn đạt được không phải là bên kia tin mà là thế giới bên ngoài biết. Vì thế giới bên ngoài không thể kiểm chứng được thật giả nên bị đẩy vào tình trạng mù mờ giữa thật và giả. Cả hai phía đều tận dụng hiệu ứng truyền thông này phục vụ cho mục đích của họ.
Trung Quốc muốn phát đi thông điệp là luôn sẵn sàng và luôn đủ thực lực quân sự trên thực địa để đối phó với tàu chiến của Mỹ. Còn thông điệp của Mỹ là Mỹ không để cho Trung Quốc tùy ý muốn làm gì thì làm ở khu vực Biển Đông và Mỹ không vì tuyên bố hay hành động gì liên quan đến khu vực Biển Đông mà phải điều chỉnh mục tiêu chiến lược hay phương thức hành xử ở khu vực này.
Cái thật giả trên truyền thông này còn cho thấy hai điều. Thứ nhất, cuộc chiến truyền thông giữa hai bên sẽ còn được tiếp tục. Thứ hai, hai bên sẽ còn đụng độ như thế ở khu vực này trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần