Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thật hay câu “nhập gia tùy tục”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù cuộc sống hiện đại, mọi dịch vụ sẵn có và nhiều gia đình cũng không quá chú trọng chuyện sắm Tết, ăn Tết.

Nhưng với các cô gái "chân ướt chân ráo" về nhà chồng, "vập" vào cái Tết đầu tiên vẫn đầy bỡ ngỡ. Bởi thế, trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội những ngày cuối năm luôn ẩn chứa không ít điều về cách sống, cách ứng xử trong gia đình ngày Tết.

Một người bạn tôi lập gia đình đến năm thứ 3 kể, hồi mới cưới được hơn một tháng là đến Tết. Vì là dâu mới nên cô được "ưu tiên" thể hiện hết mình khả năng quán xuyên nhà cửa, trong khi mẹ chồng phụ giúp và em chồng có nhiệm vụ... quan sát. Càng bỡ ngỡ hơn khi cô được giao "trọng trách" đi sắm Tết. Cô cũng muốn thể hiện sự nhiệt tình, chăm chỉ, đảm đang, nhưng còn chưa thuộc hết thói quen trong nhà nên không biết phải bắt đầu từ đâu. Cô cẩn thận hỏi mẹ chồng và các thành viên trong gia đình xem cần phải sắm những gì cho phù hợp với thói quen của nhà, nhưng đều nhận được câu trả lời chung chung: "Tết ở đâu cũng như nhau, tùy con", "Tùy ý chị", "Thấy gì phù hợp thì mua"… Quay ra hỏi nhỏ chồng chỉ nhận được cái "lắc đầu" không biết, vì chưa phải đi sắm Tết bao giờ. "Nhưng sắm Tết cũng chưa phải là việc khó nhất, bởi mình có thể mua thừa hoặc thiếu có thể bổ sung. Khó nhất là đối mặt với mâm cỗ cúng gia tiên, thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu vì vốn dĩ từ trước đến nay việc này đều do mẹ đảm nhiệm. Cuối cùng, mình chỉ còn cách thú thật với mẹ chồng. Thật may bà bảo sẽ từ từ hướng dẫn để mình biết làm tất cả mọi thứ. Năm nay thì mình tự tin đảm bảo rằng, Tết có thể tự tay làm thành thục mọi việc" - bạn tôi thành thật.

Một điều được không ít nàng dâu chia sẻ là kinh tế khó khăn nên thu nhập ngày cuối năm cũng kém đi so với những năm trước. Phải lo đủ thứ chi tiêu cho mấy ngày cuối năm nên những "người nội trợ mới" lúc nào cũng đăm chiêu, tính toán. Một cô gái bảo, chồng cô là con trưởng, phải thay mặt bố mẹ đi chúc Tết họ hàng, nên vợ chồng mình "đếm đầu" chỗ cần đi rồi sắm quà Tết. Cứ nghĩ là tiết kiệm, nhưng để món quà nhìn được cũng tốn kém không ít. Rồi đủ chuyện phải lo, riêng việc chuẩn bị vài chục phong bao lì xì đón giao thừa cũng là việc không nhỏ...

Tôi mang câu chuyện của những nàng dâu mới ấy chia sẻ với chị tôi, một người đã làm dâu có "thâm niên" gần chục năm. Chị cười: "Có gì lạ đâu em, có những người đã nhiều năm làm quen với nếp sống nhà chồng cũng vẫn bế tắc với cái chuyện Tết ở nhà chồng. Như chị, tuy bố mẹ chồng không năm nào có ý kiến gì, nhưng cái cảm giác lo ngại vẫn cứ ngự trị bởi phận làm dâu phải chu toàn mọi việc, đặc biệt chuyện bếp núc cho những ngày vui xuân đón Tết là lẽ đương nhiên". Mặc dù bây giờ đã có dịch vụ nấu cỗ ngày Tết, đủ cả mấy bữa Tất niên, giao thừa, sáng mùng Một…, nhưng chị tôi vẫn một mực nói rằng, đừng coi đó là sự "giải thoát" cho người phụ nữ, bởi khó tránh điều tiếng "ngày Tết mà để bếp lạnh".

Quay lại những câu chuyện ấy, tôi nhớ lời chia sẻ của một nhà tâm lý, cứ tưởng tạo không khí gia đình vui vẻ trong mấy ngày Tết không khó, bởi Tết đã vui rồi. Nhưng để có cái Tết thực sự, những người làm dâu, người nội trợ trong gia đình nếu có được cách ứng xử hay sẽ tạo ra được sự đoàn tụ và bầu không khí ấm cúng, ấy mới là điều cần có trong ngày Tết. Kinh nghiệm của những người đi trước cho thấy câu "nhập gia tùy tục" thật chí lý. Các cô dâu là khi về nhà chồng nên tìm hiểu kĩ về phong tục nhà chồng, đặc biệt là phong tục trong dịp Tết, chuyện bếp núc, ứng xử với họ hàng, làng xóm... Nhưng quan trọng hơn là phải tạo được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình nhà chồng, có như vậy mới không cảm thấy bỡ ngỡ, ngại ngùng. Không phải ai cũng may mắn như người bạn tôi, sau khi thú thật với mẹ chồng, không chỉ được chỉ bảo, mà còn nhận được rất nhiều sự sẻ chia khi mẹ chồng bảo: "Con là dâu sẽ vất vả để có thể gánh vác khi nhà có giỗ, Tết, nên phải cố gắng rất nhiều. Việc nhà, việc họ thì cũng chẳng đến nỗi to tát quá, nhưng vẫn cần đến cái tâm để thu vén. Đi phải thưa, về phải chào, không biết gì phải hỏi…". Âu đấy cũng là một bài học nhỏ cho những người rơi vào hoàn cảnh tương tự trong những ngày Tết này.