KTĐT - Một điểm chung dễ nhận thấy, tổng nguồn cung không giảm do các ngân hàng vẫn cung đều đặn ra thị trường ở các kỳ hạn ngắn, hạn chế kỳ hạn dài nhưng vì yếu tố cầu lớn hơn nên giá bị đẩy lên cao hơn.
Có phải lãi suất nóng lên và sự thay đổi kỳ hạn giao dịch OMO từ 2 tuần sang 1 tuần đang phản ánh động thái thắt chặt tiền tệ?
Mấy ngày qua, khi thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu nóng lên cùng với sự điều chỉnh kỳ hạn giao dịch OMO, xuất hiện những lo ngại Ngân hàng Nhà nước có thể thắt chặt tiền tệ. Liệu đã đến mức như vậy?
Một số báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô từ một vài công ty chứng khoán nhận định rằng, đã có dấu hiệu thắt chặt tiền tệ. Theo họ, sở dĩ vậy là bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 và 10/2010 diễn biến phức tạp, cộng với kỳ hạn giao dịch nghiệp vụ thị trường mở (OMO) đổi từ 2 tuần xuống 1 tuần và lãi suất liên ngân hàng bắt đầu tăng.
Theo phản ánh từ các ngân hàng thương mại lớn thường xuyên giao dịch trên thị trường OMO và thị trường liên ngân hàng thì từ ngày 22/10 đến nay, nhu cầu vốn và lãi suất tăng khá đột biến.
Biểu hiện đầu tiên là trước đây, các ngân hàng hoạt động nhiều trên thị trường 2 vẫn tiếp vốn khá dồi dào đối với các kỳ hạn dài 3 - 6 tháng, nhưng nay họ hạn chế cung vốn ra. Cùng đó, lãi suất kỳ hạn ngắn bắt đầu rục rịch tăng thêm khoảng 1%: qua đêm trước đây là 7%/năm thì hiện tại lên 8%/năm; 1 - 2 tuần từ 9 đến trên 9%; 1 tháng trên 10%/năm...
Một điểm chung dễ nhận thấy, tổng nguồn cung không giảm do các ngân hàng vẫn cung đều đặn ra thị trường ở các kỳ hạn ngắn, hạn chế kỳ hạn dài nhưng vì yếu tố cầu lớn hơn nên giá bị đẩy lên cao hơn. Có phải lãi suất nóng lên và sự thay đổi kỳ hạn giao dịch OMO từ 2 tuần sang 1 tuần đang phản ánh động thái thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước?
Bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB), nhận xét: “Dấu hiệu này cho thấy thanh khoản các ngân hàng bắt đầu nóng lên, nhưng đó là điều thường thấy theo chu kỳ mùa vụ cuối năm”.
Cán bộ ban vốn của một ngân hàng lớn cũng cho rằng, nhu cầu vốn cuối năm bao giờ cũng cao hơn các thời điểm khác trong năm, nhất là hiện các ngân hàng rất cần thêm vốn để bù đắp cho việc trích lập theo các chuẩn mực an toàn tại Thông tư 13.
Tuy nhiên, quan sát động thái của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường OMO trong tuần trước và tuần này, người viết thấy rằng, cơ quan này đang điều hành khá nhịp nhàng trong việc điều chỉnh kỳ hạn và khối lượng tiền bơm ra thị trường để hạ nhiệt lãi suất. Cụ thể, việc bỏ kỳ hạn 14 ngày để chuyển thành 7 ngày là đáp ứng đề xuất của nhiều ngân hàng thương mại trước đó nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản của ngân hàng một cách linh hoạt nhất, chứ không phải “thắt chặt tiền tệ” như một số nhận định. Bởi lẽ, khi đồng vốn quay vòng trong 7 ngày thì số vòng quay nhiều hơn 14 ngày, thanh khoản được giải quyết trong 7 ngày chứ không phải chờ đến 14 ngày.
Về số lượng, nếu như trong vòng 5 ngày tuần trước (18/10-22/10), Ngân hàng Nhà nước bơm ra 41 nghìn tỷ đồng (trong đó: 18/10: 6 nghìn tỷ đồng, 19/10: 7 nghìn tỷ đồng, 20/10: 10 nghìn tỷ đồng, 21/10: 8 nghìn tỷ đồng, 22/10: 10 nghìn tỷ đồng) thì mới chỉ trong 3 ngày của tuần này (25-27/10), Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra 35 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số lượng Ngân hàng Nhà nước bơm ra có thể nói là đáp ứng nhanh nhu cầu vốn thanh khoản của các ngân hàng.
Có lẽ, không ở đâu kinh doanh ngân hàng an toàn như ở Việt Nam (!). Mặc dù cứ rúng lên mối lo về thanh khoản chu kỳ cuối năm, rồi hạn mức bảo hiểm tối đa chỉ 50 triệu đồng nhưng qua hai năm khó khăn, công chúng chưa bao giờ thấy một trường hợp đổ vỡ nào. Có thể đó là một thành công, chí ít là hình thức, nhưng đây là thời điểm khó khăn thanh khoản theo chu kỳ nên những người trong cuộc chắc hẳn không vì thế mà quá yên tâm.
Và khó khăn đầu tiên là nguồn vốn bị chia sẻ. Vào cuối năm nhu cầu vốn để thanh toán của doanh nghiệp và người dân rất cao, cộng với đó là dòng tiền gửi ngân sách ở hệ thống ngân hàng cũng được rút ra để chi trả. Hiện tiền gửi Kho bạc tại các ngân hàng thương mại khoảng 57.000 tỷ đồng (Agribank 33.000 tỷ; BIDV 9.400 tỷ, Vietcombank 8.300 tỷ, VietinBank 1.400 tỷ). Với số lượng lớn như vậy nếu bị rút ra đột ngột vào cùng thời điểm mùa vụ khó khăn, sự ổn định thanh khoản bị đe dọa là điều dễ hiểu.
Tiếp nữa, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay phát triển không đồng đều nhưng vẫn phải chung một sân chơi. Với những ngân hàng lớn, có điều kiện đầu tư vào trái phiếu chính phủ thì họ dễ dàng giải quyết khi giao dịch OMO nhưng với ngân hàng nhỏ thì không. Vì không được hỗ trợ từ OMO, trong trường hợp gặp khó khăn thanh khoản, buộc họ phải đẩy cao lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và thị trường 2.
Và “cuộc chơi” lãi suất lúc đó sẽ không phải trong tay những ông lớn mà lại thuộc về quyền chủ động của các ngân hàng nhỏ.