Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thất nghiệp thành thị tăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ thất nghiệp thành thị và của thanh niên trong quý II/2015 tăng, tương đương với 3,53% và 6,68%.

Mất cân đối về cơ cấu lao động

Tại hội thảo Công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, sáng 30/10, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong quý II/2015, thị trường lao động Việt có nhiều điểm sáng. Xét trên tổng thể, lực lượng lao động (LLLĐ) quý II tăng 73.000 người, tuy nhiên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm từ 77,3% xuống 76,2%. Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 10,77 triệu người (chiếm 20,06%), giảm hơn 1% so với quý I (21,24%). Tuy nhiên trong số 10,77 triệu lao động có trình độ đó lại có 41,51% người có trình độ ĐH, 14,99% trình độ CĐ và 27,11% trình độ trung cấp và 16,39% trình độ sơ cấp.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, lao động Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn. Từ 31/12/2015, thị trường lao động khối ASEAN mở cửa sẽ có ít nhất 8 ngành, nghề được công nhận lẫn nhau, dịch chuyển tự do. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động trong nước. Trong khi đó, chất lượng đào tạo chưa cải thiện, lao động Việt Nam khó có cơ hội ra thị trường các nước trong khu vực.

Gần 20 vạn cử nhân thất nghiệp

Bản tin thị trường lao động quý II chỉ rõ trong số 1.144.600 lao động thất nghiệp, có tới 607.800 người không có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 53,1%). Điều đáng lưu ý là số người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp đã lên tới 199.400 người, tăng 22.000 người so với quý I. Ngoại trừ nhóm trình độ CĐ có tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý I, còn các nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tiếp tục tăng cao gấp 2,8 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Đáng lo ngại là tỷ lệ này ở thanh niên thành thị lên tới 11,84%.

Thông tin thị trường lao động từ Hà Nội cho thấy ngành, nghề mà người lao động khó tìm việc nhất là kế toán, nhân viên ngân hàng, nhân viên hành chính văn phòng, hóa dầu, hóa chất, sinh học. Các ngành, nghề đang có dấu hiệu dư thừa nhân lực là tiếp thị, marketing, nhân viên kinh doanh, kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, thợ thủ công, thời trang, thiết kế mỹ thuật. Đặc biệt, nhóm nghề bán hàng trong các siêu thị, mỹ phẩm, thời trang... dễ tuyển do nguồn cung nhiều. Kể cả nhóm lao động trẻ tốt nghiệp CĐ, ĐH sẵn sàng làm việc này dù trái với ngành nghề được đào tạo. Ông Nguyễn Vinh Trường - Trưởng phòng Phân tích dự báo thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm số 2 (Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết, hiện đang dư lượng cung trầm trọng, đặc biệt là nhóm có trình độ ĐH lên tới 53%, trong khi nhu cầu của DN chỉ là 11%. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển và thay thế của người được đào tạo chuyên môn cao phải đi tìm việc ở mức thấp hơn.

Các chuyên gia nhận định, hoạt động của thị trường lao động đang diễn biến phức tạp, cung thừa ở nhóm có trình độ cao và thấp, thiếu ở bậc trung.