Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi cách “đánh” để chống tham nhũng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến", ý kiến ĐB Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên Huế) cũng là nội dung được các ĐBQH thảo luận sôi nổi cùng những bức xúc, trăn trở tại nghị trường Quốc hội hôm qua, 1/11.

Không điều hành được hãy từ chức

ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cử tri hiện nay rất bức xúc, bất bình với nạn tham nhũng, vì sao ta càng kêu gọi chống tham nhũng thì lại càng nhiều, càng trầm trọng hơn. "Tham nhũng nhiều nhưng phát hiện ít, phát hiện nhiều nhưng xử ít, xử nhẹ, tài sản thất thoát nhiều nhưng thu hồi ít" - ông Đỗ Văn Đương nói. Tương tự, ĐB Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề, tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiện đã đến mức "nghịch lý". Trước đây khi xây dựng các tập đoàn, tổng công ty thì Nhà nước nắm vai trò quản lý, điều hành các tập đoàn này. Ngược lại, hiện giờ, dường như chính các tập đoàn là người điều hành Nhà nước chạy theo các quyền lợi của mình. "Như vậy, chống tham nhũng có đề ra giải pháp nào cũng chỉ là hình thức".

ĐB Đỗ Văn Đương cho biết thêm, trong năm 2013 và các năm tiếp theo, nên mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức tiết chế lòng tham. Ngoài ra, vị ĐB này cũng đề xuất mở cuộc vận động từ chức, trước hết là với các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh để xảy ra bê bối, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
 
Thay đổi cách “đánh” để chống tham nhũng - Ảnh 1
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận tại Hội trường.Ảnh: Minh Điền

Ý kiến nhiều ĐB khác cho rằng, tới đây nên đưa một số bộ trưởng phụ trách một số lĩnh vực mà người dân đang bức xúc như ngân hàng, giao thông, xăng dầu, thủy điện... ra bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm.

Đột phá, không nương nhẹ

Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) nhận định, trước kia tham nhũng chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế thì nay đã lan sang cả lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, văn hóa… Vì vậy, bà Nguyễn Thị Phúc đề nghị, phải xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng, tình trạng quan liêu độc đoán, chuyên quyền. ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, nếu T.Ư làm kiên quyết, làm thực sự, xử lý nghiêm minh các vụ việc gây bức xúc trong dân thì công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng mới có chuyển biến thực sự.

Đã đến lúc phải thay đổi cả cách "đánh" và người "đánh" tham nhũng, đó là ý kiến của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng). Theo ông, về mức độ, "đánh" tham nhũng phải quyết liệt như với tội xâm phạm an ninh quốc gia, cần áp dụng những biện pháp như với kẻ khủng bố, nội gián. Về cách thức, cần đánh từ trên xuống dưới mới… đủ lực. ĐB Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên Huế) cũng đề xuất các giải pháp mạnh, rằng ngay trong Kỳ họp này, khi ban hành Nghị quyết về công tác tham nhũng, Quốc hội quán triệt ngay việc không áp dụng án treo, không đặc xá, tha tù sớm với tội phạm tham nhũng.Còn ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an tập trung, phối hợp chặt chẽ đột phá vào một số lĩnh vực cử tri bức xúc như ngân hàng, đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, các dự án sử dụng vốn và tài sản công, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có dấu hiệu thua lỗ, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng… để kịp thời ngăn ngừa, xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm hình sự, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Nhức nhối tội phạm vị thành niên

Thảo luận về tình hình tội phạm các ĐB đặc biệt quan tâm tới tội phạm lứa tuổi vị thành niên đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm... Nhiều vụ án có hành vi hết sức dã man, nhưng mức phạt chưa đủ sức răn đe.

ĐB Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long) dẫn số liệu, hàng năm có từ 16.000 - 18.000 trẻ vị thành niên phạm pháp. Hành vi cũng rất phức tạp như buôn bán, sử dụng ma túy, chống người thi hành công vụ, mại dâm, sử dụng hung khí, vũ khí nóng… Nhìn chung, số tội phạm là người chưa thành niên chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Theo ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên), đó là những biểu hiện xuống cấp về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân. ĐB này còn chỉ ra một thực trạng nhức nhối là ngày càng có nhiều vụ án đâm chém, giết người do trẻ vị thành niên gây ra. "Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đề cập tới vấn đề này, trong khi theo tìm hiểu của tôi, năm 2012 có khoảng 6.500 bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên, tăng hơn 40% so với năm 2011" - ĐB Nguyễn Thái Học băn khoăn.

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tới, các ĐB cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; tăng cường lực lượng và tổ chức các đơn vị trấn áp tội phạm như lực lượng 141 tại Hà Nội.

Một số ý kiến ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước, khắc phục những sơ hở thiếu sót, thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực quản lý của mình; cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc với các loại tội phạm mới xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người.