Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Thay đổi cách thi sẽ làm thay đổi cách dạy và học”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục được xác định là khâu đột phá trong quá trình triển khai ‘Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo’ hiện nay.”

Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định như vậy trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào sáng nay (4/12) tại Hà Nội.

Tác động đến toàn bộ hệ thống

Cụ thể, việc đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục được cụ thể hóa trên một số phương diện như đổi mới hình thức thi, kiểm tra trong toàn bộ hệ thống giáo dục (từ các bậc học phổ thông đến cao đẳng, đại học…); đổi mới cách thức đánh giá chất lượng của các địa phương, cơ sở giáo dục…

“Chúng ta cần xác định được đâu là yếu tố mà khi ‘bấm nút vận hành,’ nó sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống. Đó chính là khâu được coi là đột phá,” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Trao đổi kỹ hơn về vấn đề này, Phó giáo sư-Tiến sỹ Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho hay: Coi đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục là khâu đột phá trong việc thực hiện “Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” có nghĩa rằng, ngành giáo dục xác định đây là khâu đầu tiên, đi trước để từ đó tác động đến toàn bộ hệ thống.

Lý giải nguyên nhân xác định đây là khâu then chốt của việc thực hiện Đề án, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay, việc đổi mới cách đánh giá chất lượng giáo dục sẽ có tác động ngược trở lại, làm thay đổi nội dung, phương pháp dạy học cũng như các vấn đề thuộc về chính sách…

“Việc thay đổi hình thức thi, kiểm tra đánh giá sẽ làm thay đổi cách dạy và cách học,” ông Hiển bày tỏ.

Tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiện nay, việc đánh giá chất lượng giáo dục còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình như việc, hiện nay, các bài thi vẫn chủ yếu hướng người học đến việc tái hiện kiến thức mà chưa chú trọng đến kỹ năng, khả năng vận dụng của người học. Theo đó, hình thức dạy và học vẫn chủ yếu là đọc-chép.

“Tôi lấy ví dụ, với một bài thi mà chỉ có điểm số, thiếu đi lời nhận xét của giáo viên thì người học sẽ không biết được, bản thân mình còn thiếu hụt những gì về kiến thức, kỹ năng. Mục tiêu của việc đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục là, qua bài thi, học sinh phải biết được mình còn yếu, thiếu ở những phương diện nào,” Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ.

Tương tự, ông Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, những bất cập trong việc đánh giá chất lượng giáo dục cũng bộc lộ qua việc cộng điểm bài thi của từng học sinh lại thành kết quả chung của toàn đơn vị. “Cách làm như vậy sẽ không tạo được sự công bằng giữa giữa các đơn vị đào tạo ở miền núi, vùng sâu vùng xa với các cơ sở đào tạo ở đồng bằng, thành thị,” ông Hiển khẳng định.

“Việc có thể làm ngay”

Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Xuân Khoa cho biết: Việc đổi mới sách giáo khoa cần một lộ trình thời gian với nguồn kinh phí lớn và phải huy động đội ngũ nhà khoa học, chuyên môn đông đảo… Trong khi đó, việc đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục có thể triển khai ngay trong thực tế mà không cần nguồn đầu tư lớn như vậy.

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, ngành giáo dục đã và đang thực hiện đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục bằng việc tổ chức việc ra đề thi mở, xây dựng “ma trận” đề thi trong kiểm tra để đánh giá kiến thức một cách toàn diện, tránh học tủ và hướng tới phát triển năng lực người học…

Từ đó, ngành giáo dục hướng tới việc xây dựng nội dung học đảm bảo được yêu cầu nghiệm thu kết quả ngay trong quá trình học: Học đến đâu sẽ tổ chức thi, kiểm tra đến đấy; sau đó, kết quả này sẽ được sử dụng trong việc đưa ra đánh giá cuối cùng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ không chỉ dựa vào kỳ thi cuối cùng mà phải căn cứ quá trình học của học sinh cấp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể được sử dụng để các trường xét tuyển “đầu vào” trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, sao cho phù hợp với điều kiện của từng trường.

 
Ngày 9/10/2013, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI đã thông qua "Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo," nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đề án được kỳ vọng sẽ khắc phục những yếu kém kéo dài của nền giáo dục hiện nay, là kim chỉ nam cho việc tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo.