Việt Nam được đánh giá là một trong 6 quốc gia hoàn thành trước thời hạn và là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong Mục tiêu Thiên niên kỷ. Đồng thời đóng góp tích cực ngay từ đầu vào quá trình xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc đến năm 2030. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 5,97% và đến hết năm 2015 giảm xuống còn 4,2%. Tuy nhiên, việc giảm nghèo không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách còn có sự chồng chéo, chia cắt, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu.
Trước những hạn chế, thách thức trên, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã đưa ra nhiều điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. Theo Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Trường Thi, một số điểm mới tiêu biểu của chương trình trong giai đoạn này là tập trung vào địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi và tích hợp với các chương trình dự án trước đây như Chương trình 30a, Chương trình 135… Đáng chú ý, việc thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính. Bên cạnh đó xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, gắn kết với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.Ông Nguyễn Trường Thi cho biết thêm, chương trình thực hiện phân bổ vốn trung hạn, đảm bảo công khai, minh bạch, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở. Nguồn lực chính thực hiện Chương trình giảm nghèo là từ ngân sách Nhà nước, tuy nhiên huy động thêm sự đóng góp của DN, cá nhân, cộng đồng, nhất là sự đóng góp của người nghèo đã được thể hiện rõ trong cách thức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án. Đặc biệt, chương trình lấy đối tượng người nghèo làm trung tâm để thực hiện hỗ trợ, mở rộng thêm đối tượng hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho các đối tượng người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về. Một điểm đáng chú ý khác của Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 chuyển mạnh từ cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên thoát nghèo. “Nhà nước hỗ trợ cho những gì người dân không làm được và ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện chứ không làm thay người dân” – ông Thi nhấn mạnh.Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, công tác giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Do đó, hội nghị tập huấn cho Sở TT&TT và đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương khu vực phía Bắc nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời giới thiệu về các gương điển hình, sáng kiến, mô hình giảm nghèo mới, cách làm mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo.Cũng trong chương trình tập huấn, chiều 12/4, các đại biểu đã đi thực tế vùng trồng cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.