Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi mã vùng điện thoại cố định: Người dùng kêu "khổ"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với người dân và doanh nghiệp, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định là không thực sự cần thiết và gây phát sinh những khoản chi phí không đáng có.

Theo Thông tư 22 về Quy hoạch kho số viễn thông do Bộ TT&TT mới ban hành, bắt đầu từ 1/3 tới, gần 7 triệu thuê bao điện thoại cố định sẽ được thay đổi mã vùng. Phản ứng về quá trình chuyển đổi này, phần lớn người dân cũng như doanh nghiệp đều cho rằng đây là việc làm không thực sự cần thiết và gây lãng phí.

Ông Phạm Xuân Trưởng, Giám đốc Công ty xây dựng Phạm Trưởng cho biết, quá trình đổi số này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề đối với doanh nghiệp của mình trong thời gian tới. Đầu tiên là phải tiến hành in lại biển hiệu, phong bì, tài liệu, mẫu giấy tờ, hồ sơ giới thiệu... đã có số điện thoại cũ, điều này sẽ phát sinh khoản chi phí không cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mọi chi tiêu của doanh nghiệp đều phải thắt chặt.
Thay đổi mã vùng điện thoại cố định: Người dùng kêu "khổ" - Ảnh 1
Bên cạnh chi phí hành chính kể trên, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là taxi sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh khi những đơn vị này sử dụng số điện thoại cố định làm phương thức liên lạc chính với khách hàng. Đại diện của hãng taxi Mai Linh cho biết, với việc thay đổi số hãng sẽ phải tiến hành làm lại các biển quảng cáo, tờ rơi cũng như sơn lại số điện thoại trên các xe của mình, mặc dù chưa tính toán cụ thể nhưng chi phí này chắc chắn sẽ không nhỏ.

Sự thay đổi số điện thoại cố định này cũng gây tác động khá rõ rệt tới các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Đại diện Công ty Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hà Nội cho biết, doanh nghiệp có nhiều đối tác ở thị trường nước ngoài, trong đó có đối tác 6 tháng tới 1 năm mới liên lạc một lần mà phương thức chủ yếu là gọi qua số cố định, nếu họ không biết doanh nghiệp mình đã thay đổi số khi đó sẽ gây ảnh hưởng lớn tới việc hợp tác.

Về phía người dùng cá nhân, anh Nam, một công chức trên địa bàn Hà Nội đặt câu hỏi, hiện tại số lượng thuê bao c
ố định là rất thấp, đa phần đều chuyển sang dùng số di động, vậy việc đổi số cố định có thực sự là cần thiết không? Đồng thời, anh Nam cũng đưa ra thắc mắc không hiểu mã vùng mới được đặt theo nguyên tắc nào chứ bản thân mình thấy những đầu số này là khó nhớ.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam tiến hành thay đổi số điện thoại cố định. Trước đó vào năm 2008, việc bổ sung thêm số "3" vào số điện thoại cố định đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới người dùng cá nhân cũng như hoạt động kinh doanh của phía doanh nghiệp. 

Hiện nay, mặc dù thuê bao cố định không còn được sử dụng thường xuyên như trước nhưng đây vẫn là một trong những phương thức liên lạc chủ yếu được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng. Theo ước tính, hiện cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp, đó còn chưa kể đến các hộ kinh doanh cá thể, chính vì khả năng tác động của việc thay đổi số cố định sẽ lớn hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên theo thông tin từ phía VNPT, việc chuyển đổi số điện thoại cố định sẽ được diễn ra từ từ, với việc khách hàng có thể quay số theo cả mã vùng mới và mã vùng cũ. Quá trình này sẽ được kéo dài khoảng 6 tháng, sau đó mới chuyển hoàn toàn sang mã vùng mới. Sau thời điểm đó, nếu khách hàng vẫn gọi theo mã vùng cũ sẽ nhận được thông báo hướng dẫn gọi lại theo mã vùng mới.