Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi nhận thức của lớp trẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và TNGT ở Việt Nam là do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân rất thấp.

Chính vì vậy, đưa giáo dục luật giao thông vào trong trường học để tạo ra một thế hệ có ý thức và chấp hành các quy tắc đúng khi tham gia giao thông là việc làm cấp thiết.

 

Thí điểm dạy luật giao thông

Thực tế, muốn thay đổi ý thức của toàn xã hội phải bắt đầu từ giáo dục. Trong đó, phương thức và đối tượng giáo dục rất quan trọng. Đối với vấn đề giao thông cũng vậy, theo khảo sát của các chuyên gia, không đối tượng nào tiếp thu nhanh, vận dụng tốt như giới trẻ. Chính vì thế, thay đổi ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông của xã hội phải bắt đầu từ việc giáo dục giới trẻ. Mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GD&ĐT đã phối hợp đưa việc giảng dạy luật giao thông vào trường học, cụ thể là đối tượng lớp 12. Qua nghiên cứu cho thấy, đây là nhóm đối tượng có nhu cầu lớn sử dụng mô tô, xe máy khi tham gia giao thông. Mặt khác, cũng là đối tượng có đầy đủ những yếu tố về độ tuổi, nhận thức để nắm bắt và thực hiện tốt luật khi được học luật giao thông. Nếu tăng hiểu biết, nâng cao nhận thức, ý thức về giao thông thì khi tham gia các em sẽ có văn hóa hơn, biết cách xử trí và phòng tránh rủi ro cho chính bản thân và gia đình. Nhờ đó sẽ có tác động, ảnh hưởng tốt đến toàn xã hội. Mặt khác, việc đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng mang nhiều thuận tiện vì đối tượng đồng đều về độ tuổi, nhận thức, lại tận dụng được lợi thế quy củ, khuôn phép của giảng đường, giúp việc học tập, tiếp thu kiến thức được nghiêm túc.

 
Giáo dục luật giao thông tại trường Trung học cơ sở Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Ngọc Ánh
Giáo dục luật giao thông tại trường Trung học cơ sở Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Ngọc Ánh
Tuy nhiên, không chỉ giảng dạy, mà còn cần có biện pháp vừa kiểm tra đánh giá hiệu quả của công tác giáo dục đó, đồng thời khích lệ và thu hút sự tham gia nhiều hơn của học sinh. Với yêu cầu này, Bộ GD&ĐT và Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đưa ra phương án cấp chứng chỉ giao thông, miễn thi lý thuyết khi thi lấy GPLX cho đối tượng học tập tốt. Hình thức này không chỉ đánh giá được mức độ tiếp thu vận dụng của học viên mà còn là mục tiêu phấn đấu cho các em. Bởi thực tế, khi có lợi ích thì người tham gia sẽ có ý thức hơn. Trước mắt, chương trình sẽ được triển khai thí điểm tại một số trường THPT của Hà Nội, Vĩnh Phúc và TP Hồ Chí Minh.

Mềm hóa trong hình thức giảng dạy

Học sinh là nhóm đối tượng nhạy cảm, nhận thức nhanh, vận dụng tốt kiến thức được học. Nên việc giảng dạy để làm sao những nội dung khô cứng, khuôn phép của lĩnh vực giao thông được "mềm hóa", trở nên gần gũi, hấp dẫn đã được tính toán kỹ lưỡng. Hiện, Ủy ban ATGT Quốc gia đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và đưa ra một giáo trình phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi trẻ, song vẫn đảm bảo, bám sát theo nội dung và giáo trình giảng dạy cấp GPLX của Bộ GTVT. Đặc biệt, sẽ linh động điều chỉnh thời lượng, cách thức giảng dạy lý thuyết, tổ chức thực hành. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kết hợp giữa nhà trường với các bộ ban ngành liên quan, các cơ sở đào tạo cấp GPLX, công ty có kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo lái xe như Honda Việt Nam để giảng dạy cho các em học sinh bằng những mô hình trực quan, giờ học thực tế, tình huống có thật, tạo hứng thú và giúp tăng phản xạ, độ nhạy bén khi tham gia giao thông. Đồng thời, tập huấn cho chính giáo viên về an toàn giao thông để họ trực tiếp đứng lớp giảng dạy; cung cấp và cải tiến các trang thiết bị đồ dùng phục vụ cho việc học luật giao thông, giúp quá trình tiếp nhận và thực hành kiến thức phong phú, gần cuộc sống hơn, nội dung truyền đạt cũng sẽ hiệu quả hơn. Cuối mỗi khóa học, sẽ tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng tiếp thu kiến thức của các em học sinh, làm cơ sở để cấp chứng chỉ giao thông. Tuy nhiên, hình thức thi sẽ không cứng nhắc và đơn thuần chỉ làm trắc nghiệm các tình huống các em đã được học.

Có thể nói việc Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GD&ĐT cùng phối hợp triển khai thí điểm giảng dạy luật giao thông đối với học sinh khối 12 là việc làm cần thiết. Trong thời gian tới, 2 đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa phương án giảng dạy phù hợp hơn nữa để đưa vào giảng dạy luật giao thông cho học sinh lớp 11 và nhân rộng ra toàn quốc. Dự kiến đến năm 2015, tất cả các cấp học đều được phổ biến kiến thức về luật giao thông. Hy vọng, với việc đưa giáo dục luật giao thông vào trường học sẽ sớm tạo ra một thế hệ trẻ có văn hóa giao thông và luôn chấp hành các quy tắc đúng khi tham gia giao thông.

 
Nguyễn Trọng Thái 

Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.