KTĐT - Những cơn sốt kiểu nhà nhà, người người buôn vàng, chứng khoán, đất đai đã phản ánh một phần tư duy ăn xổi và không muốn đầu tư lâu dài của giới kinh doanh Việt.
“Nếu thực sự nhìn nhận thị trường nội địa có tiềm năng lớn thì không thể có chuyện, mọi chiến lược sản xuất đều hướng ra xuất khẩu và đặt mục tiêu xuất khẩu. Tới khi thị trường thế giới suy giảm mới quay trở về nội địa như một cách trú chân tạm thời”.
Ông Phạm Tất Thắng, Viện nghiên cứu thương mại nêu ý kiến tại cuộc hội thảo “Các giải pháp cho doanh nghiệp sản xuất trở về chiếm lĩnh thị trường nội địa” ngày 15/12, tại Hà Nội.
Thông điệp của ông Thắng rất rõ ràng: doanh nghiệp hoàn toàn có thể thay đổi tư duy bởi đó là lợi ích sát sườn của họ.
Đây là điều đã được thực tế chứng minh. Những ví dụ như bia Việt Nam đẩy lùi bia Vạn Lực, gốm sứ Minh Long, Hải Dương, Bát Tràng đấy lùi gốm sứ Trung Quốc hay hàng dệt may công sở nam giành lại thị trường trong nước… được nhiều diễn giả tham gia hội thảo nhắc đi nhắc lại.
Chia sẻ câu chuyện cụ thể của mình, lãnh đạo công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng cho biết, ngay từ đầu những năm 1990, giữa lúc phích nước Trung Quốc có mặt trong hầu hết các gia đình Việt, Rạng Đông đã đặt quyết tâm chiếm lĩnh lại khách hàng nội.
Với chiến lược này, công ty đã cho ra đời những sản phẩm phục vụ đa số người dân với dàn sản phẩm có phân khúc thị trường rõ ràng. Các cải tiến liên tục được cập nhật trong mỗi dòng sản phẩm khiến Rạng Đông không chỉ đấy lùi được hàng Trung Quốc mà còn có sức cạnh tranh áp đảo với sản phẩm ngoại nhập khác, chiếm đa số thị phần tại thì trường nội địa.
Nhưng sự thành công của Rạng Đông hay các ví dụ trên không đến dễ dàng. Để có lại được “khán giả nhà” trên “sân nhà”, các doanh nghiệp này đều phải nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược và tự đối mặt với tất cả các thách thức… mà đôi khi rất đơn độc.
Sự đơn độc và những khó khăn về chính sách cũng là căn nguyên khiến nhiều doanh nghiệp Việt không đủ động lực tìm tòi khai thác thị trường nội địa một cách bền vững mà chỉ muốn lao vào làm ăn kiểu “đánh quả”. Những cơn sốt kiểu nhà nhà, người người buôn vàng, chứng khoán, đất đai đã phản ánh một phần tư duy ăn xổi và không muốn đầu tư lâu dài của giới kinh doanh Việt.
Vì thế, ông Thắng cho rằng đã đến lúc Nhà nước phải thay đổi tư duy và cách hành xử của mình trước tiên nếu muốn cổ vũ các doanh nghiệp sản xuất trở về chiếm lĩnh thị trường nội địa.
“Không thể chiếm lĩnh được thị trường nội địa bền vững nếu mô hình tăng trưởng kinh tế và các chính sách hỗ trở chỉ dựa vào xuất khẩu như hiện nay”, ông Thắng nói.
Nhà nước có chính sách thiết thực tạo động lực cho doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa bền vững - Ảnh Phan Hùng |
Nhiều diễn giả cũng đồng ý với ông. Ông Võ Văn Quyền, Vụ Phó Vụ chính sách thị trường trong nước cũng thừa nhận, nhìn đi nhìn lại các giải pháp được xem là hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chiếm lĩnh thị trường nội địa còn thiếu đồng bộ và chưa có tầm nhìn dài hạn.
Cụ thể hơn, ông Quyền dẫn chứng các giải pháp như miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT cho hàng hóa và tư liệu tiêu dùng, hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị vật tư cho nông nghiệp, quy định các hoạt động mua sắm thuộc ngân sách nhà nước phải sử dụng hàng hoá trong nước… thực tế mới chỉ mang tính tạm thời, hỗ trợ là chủ yếu.
Những hành động thiết thực và thực sự cấp thiết cho doanh nghiệp như tạo cơ chế thuận lợi để tiếp cận đất đai, vốn, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu thị trường… thì vẫn còn chưa có đường hướng rõ ràng.
Điều này được phản ánh rất rõ nét qua gần như hầu hết các cuộc gặp gỡ của doanh nghiệp với các nhà làm chính sách. Thuế, đất đai, thủ tục hành chính, ưu đãi đầu tư … luôn là những vấn đề “nóng” từ năm này qua năm khác.
Đã có không ít nhà sản xuất Việt tỏ ra “tị nạnh” với các nhà đầu tư nước ngoài vì bị coi như “con ghẻ” trên chính “sân nhà” bởi các chính sách “hướng ngoại” của Nhà nước và sự “sính ngoại” của chính các quan chức địa phương.
Đó là lý do, nhiều ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, để đưa ra được các chính sách kích thích doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nội địa tốt hơn nữa, mô hình tăng trưởng kinh tế chỉ dựa vào xuất khẩu như hiện nay cần được nhìn nhận lại.
Dĩ nhiên, như ông Quyền khẳng định việc tổ chức phân phối thế nào, nghiên cứu thị trường ra sao…phải là câu chuyện của doanh nghiệp, Nhà nước không thể làm thay. Nhưng để doanh nghiệp làm được và làm tốt, Nhà nước cần có sự thay đổi trong tư duy và hành động để cho ra đời những cơ chế chính sách thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp Việt.
Chỉ khi vấn đề được giải quyết tận gốc trong một chiến lược dài hạn, thay vì những giải pháp ngọn, tức thời kiểu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thì trong thập niên tới, hàng Việt mới thực sự có thể chiến thắng ngay trên “sân nhà”.