Bí Thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng then chốt đẩy nhanh tốc độ, chất lượng phát triển bền vững kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong 5 năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP luôn thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đầu tư đối với hoạt động KH&CN, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về KH&CN.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao đổi với các đại biểu. Ảnh: Thanh Hải
Từ năm 2008 - 2013, các chương trình KH&CN cấp TP đã triển khai 616 đề tài nghiên cứu, 56 dự án sản xuất thử nghiệm. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài là trên 70%, dự án là 100%. Những sản phẩm của các công trình nghiên cứu đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Các đề tài được nghiên cứu ứng dụng vào thực tế thuộc các lĩnh vực như: Văn hóa, kiến trúc, nông nghiệp, giao thông, giáo dục… Thời gian tới, TP tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách để làm đòn bẩy, thị trường hóa, có sự điều tiết của Nhà nước. TP sẽ đưa ra các cơ chế chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức Thủ đô.
Dù đạt được khá nhiều thành tựu, song hoạt động KH&CN thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Các cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển KH&CN vẫn chưa đồng đều, hiệu quả còn thấp, nhất là cơ chế tài chính cấp cho đề tài, dự án còn nặng về thủ tục; Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn chưa chú trọng hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng dẫn đến bỏ phí nhiều kết quả nghiên cứu thành công từ các Viện, trường ĐH, CĐ…
Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Dương Ngọc Hải cho rằng Hà Nội nên tổ chức hội nghị chuyên đề 1 đến 2 năm một lần để đề xuất: "Cần có hội nghị chuyên sâu, bàn bạc đề xuất giải pháp tối ưu nhất. Và trong mỗi giai đoạn cũng nên cụ thể vấn đề hợp tác". Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Cảnh - Phó Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp cho biết: Trường sẵn sàng tham gia các chương trình phát triển của Hà Nội, cử sinh viên, cán bộ xuống địa phương để chuyển giao kỹ thuật. "Theo tôi, Hà Nội nên có cơ chế giao ban thường kỳ để trao đổi thông tin, đặt hàng cho các viện, các nhà khoa học. Các viện sẽ quay lại góp ý cho phát triển KH&CN Hà Nội" - ông Cảnh góp ý.
Để KH&CN phát triển trong thực tiễn, ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, phát triển KH&CN trong đó cần phát triển cả về khoa học xã hội và nhân văn. Do đó, ông Đức đề xuất phương thức hợp tác mới, thay vì triển khai nhiều loại đề tài, nên tập hợp thành cụm đề tài đủ sức giải quyết các vấn đề cho TP, tránh rời rạc không phát triển đột phá được.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: Chủ trương rất đúng nhưng thiếu sự cụ thể hóa. Đây là nguyên nhân chính, dẫn đến những hạn chế về thành tựu và đội ngũ làm KH&CN, do đó cần thay đổi căn bản tư duy quản lý. Để giải quyết những vấn đề của KH&CN, một mình Hà Nội không làm được, nhưng xin bày tỏ quyết tâm đi trước, cố gắng đưa ra chính sách, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Nhiệm vụ cần làm hiện nay là tiếp tục phát triển chủ trương quan điểm được nêu trong Nghị quyết T.Ư 6 về phát triển KH&CN, tiếp tục thực hiện chương trình đã đề ra. Với các kiến nghị của Bộ, TP Hà Nội xin tiếp thu và làm tốt khâu triển khai sau hội nghị này.
Hà Nội là địa phương hiếm hoi có sự quan tâm của lãnh đạo TP về KH&CN, không chỉ quan tâm mà còn có hành động cụ thể, có nhiều văn bản ban hành chính sách, có văn bản đi trước cả nước. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng của Hà Nội vẫn duy trì ở mức độ cao, gấp rưỡi bình quân cả nước, ít địa phương có ngay chiến lược phát triển KH&CN như Hà Nội.
Ông Nguyễn Quân Bộ trưởng Bộ KH&CN
|