Thầy Hạ vừa được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016.
Chúng tôi đặc biệt ấn tượng về câu chuyện tình nguyện dạy học ở đảo xa của thầy Hạ. Tâm sự về lý do chọn Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc làm đích đến, thầy giáo trẻ chia sẻ: “Cuộc đời là những chuyến đi và tuổi trẻ là quãng đời đẹp nhất để thực hiện chuyến đi cuộc đời đó. Đi để trải nghiệm, để cống hiến tuổi thanh xuân, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ tới những miền đất còn nhiều khó khăn trên mọi miền Tổ quốc”.
Giống như bao người dân trên đảo Sinh Tồn, thầy Hạ phải tự trồng rau, nuôi gà vịt, đánh bắt hải sản để đảm bảo cuộc sống. Những khi nắng nóng kéo dài, nước ngọt khan hiếm, thầy trò, quân dân phải tiết kiệm từng chút. Cả đảo có 9 học sinh lớp 1, lớp 2, mầm non, ghép chung một lớp. Với lớp học đặc biệt như vậy, giáo viên vừa là người thầy, vừa là người mẹ, là bạn để chăm lo cho các em.
Trong quá trình công tác tại đảo, điều khiến thầy Hạ luôn trăn trở là làm sao để hình thành kỹ năng sống cho học sinh. Bởi lẽ, môi trường sống ở đảo chẳng có gì ngoài nước biển, san hô và một vài loài cây đặc thù. Chính vì vậy, thầy Hạ phải nỗ lực từng ngày, sáng tạo và linh hoạt đối với từng đối tượng học sinh. Nếu học trò trong đất liền học Toán bằng que tính thì trò ngoài đảo làm quen những con số qua vỏ sò.
Nhớ lại những ngày đầu mới ra đảo, thầy Hạ kể, khó khăn lớn nhất là dạy lớp ghép trong khi chưa hề có khái niệm về việc này. “Công tác giảng dạy nơi đây còn gặp nhiều khó khăn bởi thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, thường xuyên có bão, giông tố mạnh. Môi trường xung quanh hạn hẹp cũng ảnh hưởng đến nhân sinh quan, thế giới quan và kỹ năng sống của các em. Số lượng học sinh ít nên việc tổ chức các hoạt động mô hình trường học mới (VNEN) gặp nhiều khó khăn…”, thầy Hạ chia sẻ. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương dành cho học sinh, thầy Hạ và các đồng nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp để vượt qua những trở ngại đó, thường xuyên cập nhật thông tin về giáo dục trên báo, đài; xem các tiết dạy mẫu thông qua băng, đĩa; tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn do Sở GD&ĐT tổ chức trong những lần về phép…
Gian nan, khắc nghiệt là thế nhưng vì tình thương yêu học trò, thầy giáo trẻ lại cố gắng học hỏi thêm. Với những nỗ lực, cố gắng, thầy và trò trường Tiểu học Sinh Tồn đã thu được những thành tích đáng khích lệ khi học sinh của trường được nhận học bổng từ Quỹ Vừ A Dính để chuyển về đất liền học tập tại TP Hồ Chí Minh. Đây là động lực để nhà trường tiếp tục phát huy trong các năm học tiếp theo. Khi được hỏi về động lực để trụ lại tại Trường Sa, thầy Hạ bộc bạch: “Gắn bó với hòn đảo Sinh Tồn, ngày ngày nhìn những gương mặt ngây thơ, trong sáng của các em học sinh, sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau của mọi người trên đảo, khó ai có thể nản lòng. Thật sự, tôi muốn gắn bó lâu dài ở Trường Sa, rất muốn nghe những đứa trẻ ở đây đọc chữ, đánh vần trong sóng biển”.