Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay lối dạy “đọc, chép”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm học 2012 - 2013, Bộ GD&ĐT thí điểm mô hình trường học mới tại 1.447 trường học trên cả nước. Hà Nội đã thí điểm mô hình này tại trường Tiểu học Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì).

Thích với cách học mới

Mô hình trường học mới tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển đổi từ dạy học truyền thụ sang tổ chức hoạt động tự học. Trước đây, học sinh (HS) học theo lớp là chủ yếu, nay sẽ chuyển sang học theo nhóm, cặp, cá nhân. Tài liệu hướng dẫn học đã được thiết kế lại trên cơ sở SGK hiện hành để HS có thể tự học, tự đánh giá. Thay vì lối dạy "đọc, chép", giáo viên giờ chỉ là người tổ chức, theo dõi, hướng dẫn giúp đỡ và chuẩn bị đồ dùng học tập cho HS.

Thay lối dạy “đọc, chép” - Ảnh 1

Giờ học theo mô hình mới của học sinh lớp 3B trường Tiểu học Tả Thanh Oai. Ảnh: Trung Anh

Với mô hình học mới này, bàn ghế được sắp xếp cho HS ngồi đối diện nhau. HS tự thảo luận, tự tìm khúc mắc và tự đưa ra phương án giải quyết. Em Nguyễn Văn Tuấn Anh, HS lớp 3B (lớp học theo mô hình mới), trường Tả Thanh Oai, chia sẻ: "Cháu rất thích học theo cách này. Nhóm của cháu có 6 bạn, chúng cháu ngồi quây tròn, mỗi bạn đều được đặt câu hỏi cho các bạn khác trả lời". Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 3B cho biết, trường mới đưa mô hình mới này vào thực hiện được một tuần (tuần thứ 3 của năm học mới): "Theo tôi, cách học mới giúp HS phát huy tối đa năng lực, giúp trẻ phát triển tư duy. Tuy nhiên, đối với các GV khi chuyển sang dạy phương pháp này, thấy vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được HS hào hứng đón nhận, hăng hái học, phát biểu xây dựng bài. Nhưng lo vì GV còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm. Điều quan trọng, đến nay sách vở, đồ dùng chưa có cho các em (mới chỉ được cấp số ít SGK), chúng tôi phải tự làm đồ dùng học tập, bàn ghế thì tận dụng đồ cũ".

Khó về cơ sở vật chất

Theo mô hình trường học mới, mỗi phòng học được sắp đặt giống như thư viện linh động, đồ dùng dạy học được để ngay tại lớp. Mỗi lớp có các góc Toán, tiếng Việt và hoạt động GD. Tại các góc này, giáo viên thay đổi tài liệu và đồ dùng học tập mỗi ngày. Các HS sẽ thành lập hội đồng tự quản, tự đưa ra tiêu chí mà các em mong muốn về lớp mình...

Ưu điểm của phương pháp dạy học mới đã được khẳng định, nhưng để triển khai trên diện rộng, còn cần rất nhiều điều kiện đi kèm. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tả Thanh Oai, khó khăn lớn nhất chính là cơ sở vật chất. Theo quy chuẩn, để có thể sắp xếp lớp theo ý tưởng của mô hình trường học mới, cần phòng học rộng khoảng 100m2, nhưng hiện diện tích mỗi phòng học của trường mới chỉ rộng 49m2. Bàn ghế vốn được thiết kế liền nhau,  phục vụ luôn việc học bán trú nên không thích hợp kê theo kiểu học nhóm. Năm học này, trường mới chỉ thí điểm mô hình này ở khối lớp 2 và 3, mỗi khối 2 lớp với quy mô khoảng 150 HS. Về phía GV cũng có những khó khăn, trình độ đại trà tuy 100% đạt chuẩn, trên chuẩn, song nếu GV không năng động sẽ không chuyển tải được kiến thức, ý tưởng đến tất cả HS.

Hiện tại, trường Tả Thanh Oai phân lớp học mô hình mới này làm 2 trình độ: Lớp có chất lượng cao và lớp đại trà. Lớp chất lượng cao thực hiện hiệu quả bởi HS tiếp thu kiến thức tốt, nhưng những lớp đại trà, đặc biệt là HS lớp 2, do đọc, viết còn chưa lưu loát nên cũng tạo ra khó khăn. Ưu điểm của phương pháp dạy học mới đã được triển khai thành công ở các nước tiên tiến, nhưng ở ta, “học theo nhóm, lấy học sinh làm trung tâm” dường như vẫn chỉ là “trong mơ”. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, mô hình học “kiểu Tây” này có lẽ chỉ hiệu quả ở trường của Ta thuộc vùng núi, vùng dân tộc.