Xin thưa rằng, đừng thấy bóng đá Thái Lan có được vinh quang mà lập tức phải đi theo con đường của họ. Đấy chính là bài học mà chúng ta cần phải thuộc lòng sau rất nhiều lần phải trả giá. Người ta còn nhớ, khi Calisto rời khỏi Đội tuyển Việt Nam, nhiều người đã cổ súy cho ý tưởng bóng đá Việt dùng HLV Việt. Người ta viện lý do rằng, HLV bản địa sẽ hiểu được chiêu trò của cầu thủ Việt nên dễ bề xử lý. Rằng, với một thời gian dài hội nhập thế giới, các ông thầy người Việt Nam đã học được mọi chiêu thức cầm quân nên đủ tự tin để vươn ra biển lớn. Thực tế đã chứng minh, để chuẩn bị cho ngày Kiatisak bước lên đỉnh vinh quang, bóng đá Thái Lan đã thực hiện chính sách tạo nguồn bài bản. Nhà cầm quân này hai lần sang Việt Nam cầm đội Hoàng Anh Gia Lai nhưng đều thất bại ê chề. Thế nhưng, khi về đến đất Thái, Kiatisak không những không mất giá mà còn được tạo mọi điều kiện để tìm lại chỗ đứng. Từ chỗ dẫn dắt Chonburi, Kiatisak được mời lên làm trợ lý ở tuyển U23 quốc gia, đội tuyển quốc gia. Và đến khi nhận thấy ở nhà cầm quân này sự trưởng thành, Kiatisak được giao cầm đội tuyển U23 Thái Lan dự SEA Games và sau đó giành ngôi vô địch SEA Games 27. Người Thái đã vạch ra một lộ trình dài và bài bản cho Kitisak. Nhưng quan trọng hơn, bóng đá Thái Lan chuyên nghiệp hơn bóng đá Việt Nam. Họ sản sinh ra những cầu thủ không chỉ chất lượng cao mà còn trong sáng về đạo đức. Nói cách khác, dưới quyền chỉ đạo của Kiatisak là một đội ngũ thiện chiến, nó khác hẳn với những gì mà ông Miura đang có. Vậy nên, đừng so bì giữa bóng đá Thái Lan và Việt Nam để rồi ảo tưởng. Rất tự tôn về giá trị của các ông thầy nội, nhưng giờ chưa phải là thời điểm của họ và chúng ta vẫn tiếp tục phải tin tưởng vào lăng kính chuyên nghiệp của những HLV ngoại, mà cụ thể ở đây là ông Miura.