Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới cần hành động khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Phát triển châu Á khuyến nghị các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách trong khu vực cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển và phát triển hướng tới các chiến lược thích ứng hiệu quả.

Theo các chuyên gia tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới họp đầu năm nay tại Davos (Thụy Sĩ), biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và nước ngọt sẽ là những rủi ro hàng đầu đe dọa thế giới trong năm 2014. Ước tính mỗi năm biến đổi khí hậu sẽ làm kinh tế thế giới tổn thất 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương 1,2 nghìn tỷ USD. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2030.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng vừa công bố báo cáo nghiên cứu “Kinh tế học về biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương", trong đó cảnh báo các quốc gia ven Thái Bình Dương có thể thiệt hại từ 2,9-12,7% GDP vào năm 2100 vì những tác động của biến đổi khí hậu.
Thế giới cần hành động khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Các nhà khoa học cho biết, chính con người là một trong những nhân tố lớn thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu, gây ra hiệu ứng nhà kính. Biểu hiện rõ nhất về sự nóng lên của Trái đất là băng tan chảy nhiều hơn, nước biển dâng cao, một loạt các hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán, giá rét kéo dài… dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc…

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Sĩ, Australia và Canada được đăng tải trên Tạp chí Nature Climate Change ngày 26/2, hiện tượng thời tiết nóng bức có xu hướng gia tăng mạnh trên toàn thế giới. Thời tiết nóng bức là một trong số những hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội và đời sống của người dân.

Nghiên cứu đưa ra những ví dụ cụ thể như: Đợt thời tiết nắng nóng ở Nga năm 2010 đã khiến 55.000 người tử vong. Pakistan từng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 53,5 độ C trong năm 2010, đây là nhiệt độ cao nhất ở khu vực châu Á kể từ năm 1942. Cũng theo báo cáo, số ngày nắng nóng của bề mặt Trái Đất đã tăng dần đều từ 10, rồi 30 và lên đến 50 ngày trong giai đoạn 1979-2010.

Theo đánh giá của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) năm 2013, 56 quốc gia đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới từ năm 2001 đến 2010, trong khi chỉ có 14 quốc gia có nhiệt độ xuống thấp kỷ lục mới.

Các nhà khoa học Mỹ cho rằng, quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu có liên hệ tới các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như đợt lạnh kỷ lục vừa qua ở Mỹ. Theo đó, băng tan chảy nhiều, nền nhiệt ở Bắc Cực sẽ tăng, quỹ đạo quen thuộc của những cơn gió ở Bắc Cực chỉ di chuyển trong phạm vi Bắc Cực sẽ bị phá vỡ, khiến nhiều khối lạnh tiến về phía Nam.

Ngoại trưởng Mỹ nhân chuyến thăm ba nước châu Á (Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia) đã kêu gọi các nước nỗ lực đối phó biến đổi khí hậu, đồng thời mong muốn thúc đẩy đàm phán một hiệp định biến đổi khí hậu toàn cầu vào năm 2015 mà trong đó Mỹ và các nước khác cam kết có những cắt giảm lịch sử đối với sự ô nhiễm do năng lượng hóa thạch.

Báo cáo của ADB khuyến nghị các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách trong khu vực cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển và phát triển hướng tới các chiến lược thích ứng hiệu quả, cải thiện tính bền vững lâu dài và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia. Điều quan trọng là các quốc gia cần tăng cường giảm thiểu lượng khí thải CO2 thông qua xây dựng và phát triển một nền kinh tế xanh tăng trưởng bền vững, tăng cường hợp tác trong vấn đề này cũng như trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi nếu không giải quyết một cách thỏa đáng, biến đổi khí hậu có thể sẽ đảo ngược những thành tựu phát triển của các quốc gia.