KTĐT - Đất hiếm là nguyên liệu sản xuất chính trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, từ điện thoại di động, xe hơi động cơ hỗn hợp, tuabin gió, đến các tấm pin năng lượng mặt trời.
Nhật Bản lo sợ việc sáp nhập hai sàn chứng khoán Singapore và Australia sẽ phương hại tới mình, trong khi Mỹ với châu Âu đang lo ngại nguồn cung đất hiếm sụt giảm. Hôm qua, thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ rực do lo lắng gói giải cứu của Mỹ nhỏ giọt hơn dự báo và tăng trưởng kinh tế xứ Hàn suy giảm.
Nói với tờ Financial Times ngày 27/10, Giám đốc điều hành Atsushi Saito của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) cho hay, nếu thương vụ Công ty quản lý Sàn giao dịch chứng khoán Singapore SGX (Singapore Exchange) mua lại ASX - công ty điều hành Sàn giao dịch chứng khoán Australia, với giá 8,2 tỷ USD diễn ra thuận lợi, đó sẽ là một điều không mấy tốt đẹp đối với Nhật Bản.
Ông Saito nói: “Nếu Nhật Bản trở nên cô lập với thị trường thế giới thì đây là một điều không tốt. Có rất nhiều lựa chọn và TSE có thể sáp nhập với các sàn chứng khoán quốc tế khác”. Nhận định của ông Saito phần nào nói lên được mức độ tác động của thương vụ SGX-ASX đối với khu vực châu Á.
Ông Saito cho biết: “Quan điểm chung của giới quan chức từ các sàn chứng khoán khu vực trước khi thương vụ được công bố là điều này không thể xảy ra tại châu Á, do những khác biệt về văn hóa và giá trị.”
Trước đó, hôm 25/10, SGX đã công bố kế hoạch sáp nhập với ASX Ltd., để trở thành một trong những thị trường giao dịch tài chính lớn nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và lớn thứ năm trên thế giới. SGX đã đề nghị mua ASX Ltd. với giá 8,2 tỷ USD để lập nên liên doanh có tên gọi SGX-ASX Limited - nơi dự kiến sẽ trở thành địa chỉ niêm yết lớn thứ hai ở châu Á cho các công ty muốn gây vốn.
Mặc dù chưa chính thức công bố chấp thuận, song ASX Ltd. đã "bật đèn xanh" cho kế hoạch trên. Người đứng đầu ASX Ltd., ông Robert Elstone nhấn mạnh: "Đây là vụ sáp nhập chưa từng có. Đã từng có những vụ sát nhập thị trường hối đoái xuyên biên giới, nhưng chưa hề có một kết hợp nào giữa Đông và Tây."
Hiện nay, giá trị thị trường của sàn ASX là 1.300 tỷ USD và của sàn SGX là 558 tỷ USD. Sau khi sáp nhập, sẽ có 2.700 công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch này, trong đó có khoảng 200 tập đoàn, công ty của Trung Quốc.
Dự kiến thương vụ trên sẽ gia tăng sức cạnh tranh cho hai sàn chứng khoán Singapore và Australia thông qua việc cắt giảm chi phí, có thêm sản phẩm mới và tăng cường quy mô hoạt động. SGX sẽ có quyền bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành, còn ASX có quyền bổ nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty mới.
Theo ông Saito, nếu thương vụ được phép đi tiếp thì TSE sẽ bị thua lỗ vì TSE là cổ đông lớn thứ hai của SGX với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 4,9%. “Số cổ phiếu của chúng tôi sẽ bị pha loãng và tỷ lệ cổ phần giảm khoảng 3,1%. Do đó, nhiều khả năng chúng tôi thua lỗ tới hàng trăm triệu Yên”.
Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng đang đau đầu tìm giải pháp đối phó với nguồn cung đất hiếm hạn hẹp. Quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp tại Berlin và Washington cảnh báo việc thiếu đất hiếm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Đất hiếm là nguyên liệu sản xuất chính trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, từ điện thoại di động, xe hơi động cơ hỗn hợp, tuabin gió, đến các tấm pin năng lượng mặt trời.
Những năm qua, 97% sản lượng đất hiếm của thế giới đến từ Trung Quốc, Trung Quốc gần như độc quyền về việc cung cấp nguyên liệu này. Nhưng vào tháng trước, Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp lãnh thổ, sau đó có thông tin cho biết Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, làm cho vấn đề đất hiếm trở thành tiêu điểm của quốc tế.
Hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp và công nghệ đất hiếm của Mỹ, ông Keith Delaney, cho hay: “Tôi không nghe trực tiếp thành viên của Hiệp hội nói là khó khăn trong việc mua đất hiếm”. Tuy nhiên, ông Delaney nói, người sử dụng Mỹ ý thức được Trung Quốc muốn dùng đất hiếm cho năng lượng sạch và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác của mình, “không có ý định hỗ trợ chuỗi cung ứng của nước ngoài”.
Tuy nhiên đến nay, Trung Quốc luôn phủ nhận kế hoạch ngừng xuất khẩu đất hiếm. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích nước ngoài đưa ra yêu cầu “không hợp lý” với nguồn tài nguyên cần thiết cho phát triển công nghiệp của Trung Quốc.
Cũng liên quan tới đất hiếm, Ấn Độ đã đồng ý cung cấp đất hiếm đều đặn cho Nhật Bản trong lúc nền kinh tế kỹ thuật cao này muốn đa dạng hóa nguồn cung. Tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản Akihiro Ohata cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong chuyến thăm Nhật Bản ba ngày (24-26/10) đã cam kết như vậy khi hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Naoto Kan.
Theo Bộ trưởng Ohata, hai thủ tướng đã thảo luận về sự hợp tác song phương, về việc phát triển, tái chế và tái sử dụng đất hiếm và các loại kim loại hiếm, nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp liên quan. Theo các quan chức, nguồn dự trữ đất hiếm của Nhật Bản dùng để sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao có thể cạn vào tháng Ba hay tháng Tư năm tới, nếu không nhận được đất hiếm nhập khẩu.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố ngày 27/10, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 3 giảm mạnh, xuống còn 0,7% so với quý trước đó. So với cùng kỳ năm 2009, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong quý 3 của Hàn Quốc đạt 4,5%.
Trong quý 2, tăng trưởng đạt 1,4% so với quý 1 và 7,2% so với cùng kỳ năm 2009. Theo nhận định của BOK, tăng trưởng trong quý 3 sụt giảm mạnh do xuất khẩu mất lợi thế vì đồng nội tệ tăng giá mạnh, tới 7,2% so với USD. Xuất khẩu, vốn chiếm tới 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc, chỉ đạt mức tăng 1,9% trong quý 3 sau khi tăng mạnh tới 7% trong quý 2.
Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là chi tiêu cá nhân, một trong những động lực chính giữ đà tăng trưởng nền kinh tế Hàn Quốc, tăng 1,3%, so với mức tăng 0,8% trong quý trước. Quý 3 cũng đánh dấu tăng trưởng chi tiêu cá nhân của người Hàn Quốc đạt mức cao nhất kể từ sau đợt tăng 1,7% trong quý 3/2009.
Tờ Wall Street Journal ngày 27/10 đưa tin nhiều khả năng FED sẽ công bố chương trình mua trái phiếu kho bạc chỉ trị giá vài trăm tỷ USD trong 5 tháng.
“Biện pháp thận trọng” theo cách gọi của Wall Street Journal có thể được so sánh với kịch bản cơ sở của nhà đầu tư. Theo kịch bản này, FED sẽ cam kết mua ít nhất 500 tỷ USD trái phiếu kho bạc trong 5 tháng nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng và đà phục hồi kinh tế.
Theo Wall Street Journal, dù chi tiết kế hoạch vẫn đang được FED hệ thống lại và lưu hành nội bộ nhưng đề cương của chương trình đã hoàn thành. Các quan chức của FED sẽ nhóm họp vào ngày 02-03/11 và có thể cân nhắc đợt nới lỏng tín dụng thứ hai nhưng quy mô và thời hạn của chương trình mua trái phiếu vẫn còn nhiều bất ổn.
Cũng liên quan tới kinh tế Mỹ, theo hãng tin Bloomberg, doanh thu của một loạt ngân hàng lớn tại Mỹ, từ Goldman Sachs đến Citigroup, có thể tiếp tục giảm bởi ngành chuẩn bị có thời kỳ tăng trưởng tồi tệ nhất tính từ Đại khủng hoảng. Số liệu của Bloomberg cho thấy, năm 2009, 6 ngân hàng lớn nhất Mỹ công bố doanh thu cao kỷ lục. Thế nhưng sang đến năm 2010, tổng doanh thu ròng quý 3/2010 giảm trung bình 8% so với cùng kỳ năm trước và 16,3% trong 2 quý vừa qua.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, doanh thu của nhóm ngân hàng này giảm 4,1% bởi doanh thu tại tất cả các hoạt động kinh doanh đều giảm. Ngoài ra, quy định mới hạn chế phí tài khoản và thẻ tín dụng cũng như quy định về phái sinh và vốn cũng khiến các ngân hàng cho vay gặp không ít khó khăn.
Mike Mayo, chuyên gia phân tích về ngành ngân hàng tại công ty chứng khoán Credit Agricole USA ở New York, cho rằng năm sau sẽ đánh dấu khởi đầu của thập kỷ tăng trưởng doanh thu kém nhất của ngành ngân hàng Mỹ trong 80 năm. Số liệu từ Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Liên bang(FDIC) cho thấy 3 thập kỷ qua, tăng trưởng doanh thu của các ngân hàng thương mại Mỹ giảm dần và trong thập niên gần nhất chỉ còn 6%.