Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới nín thở theo dõi thông tin máy bay AirAsia bị mất tích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin về chuyến bay QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia bị mất tích hôm 28/12 đã nối dài danh sách các vụ tai nạn nghiêm trọng của ngành hàng không thế giới nói chung và châu Á nói riêng.

Chiều 28/12, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla bày tỏ lo ngại, chiếc máy bay Airbus A320-200 của hãng hàng không AirAsia mất tích hơn 10 giờ đồng hồ qua trên hành trình bay từ Indonesia tới Singapore có thể đã rơi. Phó Tổng thống cho biết, tuy lo ngại về khả năng này nhưng Indonesia “vẫn chưa có bất cứ thông tin gì cho thấy vị trí máy bay rơi”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ngay khi nhận được thông tin về vụ việc, cơ quan chức năng Indonesia đã nhanh chóng vào cuộc, khẩn trương tiến hành chiến dịch tìm kiếm với sự tham gia của 4 tàu chiến, 3 máy bay chiến đấu và một máy bay C-130 của Singapore. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm đã tạm thời phải dừng lại do trời tối và điều kiện thời tiết xấu. Kế hoạch chi tiết tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích vừa được công bố và hoạt động tìm kiếm sẽ được nối lại vào sáng sớm ngày 29/12.

Cộng đồng quốc tế chia sẻ

Lãnh đạo các quốc gia trong khu vực và nhiều nước trên thế giới như Australia, Singapore, Malaysia, Mỹ,Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc,… đã bày tỏ sự chia sẻ chân thành tới thân nhân của những người có mặt trên chuyến bay và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay này. Thủ tướng Australia Tony Abbot đã đề nghị đưa một máy bay do thám P3 Orion của nước này tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Giới chức Ấn Độ cho biết, nước này đã huy động 3 tàu thủy và 1 máy bay giám sát hàng hải sẵn sàng hỗ trợ hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay này.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz cho biết, mặc dù đang trong kỳ nghỉ lễ nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ sự lo lắng và rất quan tâm theo dõi thông tin về chiếc máy bay bị mất tích của AirAsia để có các quyết định hỗ trợ phù hợp. Ủy ban an toàn giao thông Liên bang Mỹ đã "sẵn sàng để hỗ trợ những người Indonesia nếu cần thiết".

Từ Vatican, Đức Giáo hoàng Francis đã gửi lời cầu nguyện và tình yêu cho người thân và cho những người đang đau khổ trong những tình huống khó khăn, cũng như những người đang làm hết sức mình cho các hoạt động cứu hộ.

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm

Chiều 28/12, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết, Việt Nam chưa nhận được cầu hỗ trợ nào từ phía Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Indonesia và Singapore. Tuy nhiên, phía hàng không Việt Nam sẵn sàng thực hiện công tác hỗ trợ tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích bất cứ khi nào có yêu cầu.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L.P. Marsudi để thăm hỏi và chia sẻ sâu sắc sự lo lắng với các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay nếu có yêu cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Rét Retno L.P. Marsudi đã thông báo tình hình mới nhất về sự việc và bày tỏ cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gọi điện thăm hỏi.

Bồn chồn chờ tin người thân

Cơ quan chức năng Indonesia vừa xác nhận lại quốc tịch của các hành khách bị mất tích gồm: 1 người Singapore, 1 người Malaysia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Anh và 149 người Indonesia. Quốc tịch của phi hành đoàn gồm 1 người Pháp, 6 người Indonesia.

Thân nhân của những người có mặt trên chuyến bay đã đổ về sân bay Juanda để chờ đợi tin tức của người thân. Tại Singapore, tập đoàn Hàng không Changi xác nhận có 47 thân nhân của 57 hành khách trên máy bay QZ5801 đã đăng ký tại khu vực dành cho thân nhân tại nhà ga số 2 sân bay Changi. Những người này sẽ được 36 nhân viên của tập đoàn và 4 nhân viên tư vấn từ Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore hỗ trợ. Ngoài ra, Tập đoàn Hàng không Changi cũng đã sắp xếp nơi ăn nghỉ và vé quay trở lại Indonesia cho các thân nhân.

Đòn giáng mạnh vào ngành hàng không

Theo AP, vụ việc xảy ra với chiếc máy bay của AirAsia đã giáng mạnh vào nỗ lực cải thiện mức độ an toàn của ngành hàng không vốn đã bị nghi ngờ sau nhiều vụ tai nạn gần đây. Tháng 4/2013, một chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Indonesia Lion Air gặp tai nạn khi cố gắng hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu. Tất cả 108 người trên máy bay tuy sống sót nhưng vụ tai nạn thứ 7 của Lion Air từ năm 2002 đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về mức độ an toàn của ngành hang không Indonesia.

Tháng 5/2012, chiếc máy bay Sukhoi Superjet-100 do Nga chế tạo đã đâm vào một ngọn núi lửa giết chết tất cả 45 người trên tàu. Tháng 1/2007, một chiếc Boeing 737 được điều hành bởi Adam Air của Indonesia biến mất ngay trong ngày đầu tiên của năm mới với 102 người trên máy bay. Các bộ phận của đuôi và các mảnh vụn khác của máy bay được tìm thấy nhiều ngày sau đó, nhưng phải mất đến 9 tháng để khôi phục lại dữ liệu của hộp đen. Hiện, thân máy bay vẫn còn nằm dưới đáy đại dương.

Tháng 9/2005, một chuyến bay từ nay không còn tồn tại Mandala Airlines của Indonesia đứng đầu là từ Medan ở Bắc Sumatra tới Bali khi chiếc máy bay đâm vào một khu vực đông dân cư giây sau khi cất cánh, làm chết 149 người. Các trường hợp tử vong bao gồm 100 người trên máy bay và 49 trên mặt đất. Mười bảy người trên máy bay sống sót.

Tháng 12/1997, tất cả 104 người trên máy bay của SilkAir đã lao xuống sông Musi ở miền nam Sumatra khi đang trên đường từ Jakarta tới Singapore. Trước đó, tháng 9/1997, một chiếc Airbus A300 của Garuda Indonesia đã gặp nạn và tất cả 234 người trên máy bay thi
ệt mạng.