Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới sẽ thiếu hụt đường nghiêm trọng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổ chức đường quốc tế cho biết, mức chênh lệch giữa cung và cầu về đường vụ mùa 2009/2010 sẽ tăng hơn nhiều so với dự kiến.

KTĐT - Tổ chức đường quốc tế cho biết, mức chênh lệch giữa cung và cầu về đường vụ mùa 2009/2010 sẽ tăng hơn nhiều so với dự kiến. Trong khi đó, giá một tấn đường vốn đã tăng đến mức kỷ lục vào tháng 1/2010, vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm.

           
Theo tính toán mới nhất của tổ chức này, mức chênh lệch giữa cung và cầu thậm chí sẽ tăng lên tới 9,42 triệu tấn trong vụ mùa 2009/2010, chứ không chỉ ở mức 7,3 triệu tấn như đã dự báo trước đó. Ngay cả khi sản lượng đường được điều chỉnh tăng lên 3,7%, tức là lên đến 157,16 triệu tấn cũng sẽ không đủ để đáp ứng cho mức tăng 1,5% của nhu cầu, tương đương với 166,58 triệu tấn. Nguy cơ thiếu hụt trầm trọng này đã khiến giá đường kính, ấn định hôm 19/2 vừa qua, cho lô hàng giao vào tháng 5 tới đã tăng 1,1%, tương đương với giá 714,50 USD/tấn trên thị trường đường quốc tế Liffe, theo báo cáo của tập đoàn Bloomberg. Hồi tháng 1/2010, giá đường đã đạt mức kỷ lục với 767 USD/tấn.

           
Nguyên nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng này, theo các chuyên gia giá cả lương thực, là mùa màng thất bát ở Brazil và Ấn Độ. Hai vụ mùa mía đường liên tiếp bị thất bát ở hai nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới này đã gây ra sự mất cân bằng trên thị trường đường thế giới. Emmanuel Jayet, phụ trách nghiên cứu nông nghiệp tại ngân hàng Société Générale cho biết "năm nay, thời tiết thất thường đã khiến hai nước sản xuất đường hàng đầu thế giới bị thiệt hại đến 10 triệu tấn". Báo cáo kinh tế của chính phủ Ấn Độ cũng cho nhận xét, cách đây hai năm nước này vẫn thường xuất khẩu đường, năm nay đột nhiên phải tìm mua "khẩn cấp" khoảng 3-5 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong nước.

           
Nguyên nhân thứ hai: do giá ngũ cốc tăng trong hai năm qua, người nông dân đã ưu tiên sản xuất loại lương thực này vì nó bán được giá hơn nhiều so với đường. Nguyên nhân cuối cùng xuất phát từ việc châu Âu điều chỉnh lại thị trường đường trong khu vực khiến sản lượng xuất khẩu đường của EU giảm gần 5 triệu tấn trong hai năm qua.

           
Những tác nhân này đã dẫn đến việc lượng đường dự trữ xuống đến mức thấp nhất, còn giá cả bị đẩy lên mức cao nhất. Các chuyên gia mía đường nhận định, ngay cả khi vụ mùa 2010/2011 có thu hoạch tốt thì cũng chỉ góp phần rút ngắn mức chênh lệch giữa cung và cầu chứ chưa thể đủ để bổ sung kho dự trữ đã cạn kiệt, điều khiến cho mọi người phải lo ngại. Theo ông Emmanuel Jayet, "sản xuất chỉ có thể bứt lên được khi nào giá đường lên cao, khiến người nông dân muốn sản xuất nhiều đường hơn và tất nhiên sản xuất cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết".

           
Các chuyên gia nghiên cứu thị trường dự đoán giá cả sẽ ổn định trong những tháng tới, nhưng ở mức rất cao, trước khi giảm dần xuống khoảng 710-720 USD/ tấn trong quý IV/2010./.