Thế giới trong biến động mới

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để lại năm cũ 2016 ở phía sau, bước vào năm mới 2017, thế giới phải mang theo nhiều vấn đề ảnh hưởng tới tương lai mà việc giải quyết vẫn còn dang dở như chống khủng bố và xử lý các loại khủng hoảng.

Chưa thể ổn định
Chỉ như thế không thôi đã đủ làm cho thế giới vẫn luôn bị đe dọa bởi nguy cơ bất an và bất ổn, chưa thể có được tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, chưa thể giải quyết được các vấn đề xã hội nhức nhối ở các quốc gia, chưa thể có được hòa bình và hợp tác để cùng phát triển cho cả thế giới. Trong bối cảnh tình hình như thế, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với kết quả thắng cử của ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã tạo ra nhân tố mới khiến cho tình hình mọi mặt của thế giới trong thời gian tới sẽ biến động càng thêm khó lường. Lý do nằm ở hai phương diện. Thứ nhất, Hiến pháp nước Mỹ dành cho Tổng thống quyền hạn rất sâu rộng trong lãnh đạo đất nước.
  Ông Donald Trump tuyên bố thắng cử.
Tổng thống mới gần như không bị ràng buộc gì bởi quan điểm chính sách của người tiền nhiệm. Cái câu "Tân quan, tân chính sách" rất dễ ứng nghiệm ở Mỹ. Lợi ích chiến lược cơ bản của Mỹ vốn liên tục và bất biến. Nhưng mỗi Tổng thống có thể vận dụng cách thực hiện riêng, xác định ưu tiên riêng, và thậm chí còn có thể định nghĩa và lý giải lợi ích ấy theo cách riêng. Ông Trump trong cả vận động tranh cử lẫn sau khi đắc cử đã bộc lộ cách tư duy và tiếp cận khác về lợi ích của nước Mỹ và cách thức thực hiện nó khi lên cầm quyền. Chúng khác trước ở chỗ không còn theo thông lệ và truyền thống lâu nay ở Mỹ, không theo logic vốn được công nhận lâu nay là logic chủ đạo ở Mỹ. Ông Trump vốn không phải là chính trị gia chuyên nghiệp và chưa từng đảm trách bất cứ cương vị lớn bé nào trong hệ thống chính trị và bộ máy công quyền nhà nước ở Mỹ.

Thứ hai, Mỹ đóng vai trò rất quan trọng và quyết định đối với diễn biến tình hình chung trên thế giới. Can dự hay không can dự trực tiếp hay gián tiếp của Mỹ có tác động rất lớn tới diễn biến ấy. Vì không xảy ra chuyện ông Trump rồi sẽ thay đổi cả tính cách cá nhân lẫn nhận thức quan điểm một cách cơ bản đến mức đảo ngược hoàn toàn, nên thời kỳ ông Trump làm Tổng thống Mỹ sẽ là một thời kỳ mới ở quốc gia này và với cả thế giới. Nhưng điều chắc chắn nữa là ông Trump dù vậy cũng không thể muốn làm gì thì làm, muốn thế nào cũng được nên rồi sẽ phải có những điều chỉnh trong suy nghĩ và sửa đổi trong cách thức cầm quyền. Cho nên câu hỏi được đặt ra là thời mới này sẽ mới như thế nào và đến mức nào.
 
Nước Mỹ hiện đang bị phân hóa sâu sắc cả trong nội bộ xã hội và trên chính trường. Thắng cử của ông Trump là kết quả của thực trạng đó và làm cho sự phân hóa này trở nên còn sâu sắc hơn. Với tính cách cá nhân và quan điểm đã thể hiện lâu nay, ông Trump không thể khắc phục được tình trạng đó ở nước Mỹ. Những cam kết tranh cử của ông Trump về đối nội, kinh tế - xã hội có tác động dân túy rất mạnh, nhưng rất nhiều trong đó lại rất khó khả thi và sẽ đẩy nước Mỹ vào tình trạng giải quyết được vấn đề này thì lại nảy sinh vấn đề khác nan giải và phức tạp không kém.

Xoay chuyển trong cán cân quyền lực

Cho nên, nếu rồi đây thực hiện đúng như những gì đã cam kết và tuyên cáo thì ông Trump có thể sẽ làm cho thế giới ở bên ngoài nước Mỹ biến động còn nhiều hơn cả làm thay đổi nước Mỹ. Ông Trump đã tuyên bố sẽ dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho cuộc chiến chống khủng bố và cam kết sẽ xóa sổ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong thời gian nhiệm kỳ cầm quyền của mình. Điều chỉnh chiến lược quân sự và an ninh quyết định nhất của ông Trump sẽ là hạn chế hoạt động quân sự can thiệp của Mỹ ở bên ngoài nước Mỹ, không dùng quân đội Mỹ để thay đổi thể chế nhà nước ở bên ngoài nước Mỹ mà chỉ để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Làm găng với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với Nga và giảm cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các thành viên NATO - tức là giảm mức độ coi trọng NATO - và của cả một số đồng minh chiến lược khác đều đã được ông Trump báo hiệu là sẽ trở thành định hướng chiến lược mới trong thời gian tới. Tương tự như vậy với việc từ bỏ các thỏa thuận đa phương về tự do hóa mậu dịch sang tập trung vào các khu vực mậu dịch tự do song phương, quay về với chủ nghĩa bảo hộ và khép kín thị trường chứ không thúc đẩy toàn cầu hóa, tự do hóa mậu dịch, hợp tác và liên kết khu vực, châu lục và thế giới. Ông Trump cũng chẳng hề giấu giếm thái độ không coi trọng và không quan tâm đến việc bảo vệ khí hậu Trái đất, phân biệt đối xử người theo đạo Hồi và kỳ thị người nước ngoài ở Mỹ.

Qua đó có thể thấy các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi mạnh mẽ. Tương quan lực lượng và cục diện quan hệ quốc tế trên thế giới cũng sẽ thay đổi theo. Ông Trump sẽ làm thay đổi sự cân bằng chiến lược hiện tại ở cả khu vực châu Âu lẫn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc giải quyết các vấn đề được coi là toàn cầu sẽ trở nên khó khăn hơn và trì trệ hơn. Nga có được cơ hội mới để đề cao vai trò trong khi Trung Quốc, EU và NATO cũng như các tổ chức quốc tế và nhiều khuôn khổ diễn đàn hợp tác đa phương trên thế giới phải trực diện thách thức mới. Như thế cũng còn có nghĩa là môi trường chính trị an ninh và đối ngoại cũng như kinh tế đối ngoại cũng sẽ thay đổi rất đáng kể đối với tất cả các nước khác và khu vực khác trên thế giới. Mức độ thay đổi đến đâu, tức là thời mới này sẽ mới đến mức nào, phụ thuộc vào ông Trump thực sự sẽ làm gì và làm được gì cũng như các đối tác và đối thủ chính của Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách của họ như thế nào để ứng phó.