Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Tổng thống Ukraine ký sắc lệnh thiết quân luật sau vụ đụng độ ở Eo biển Kerch

Phương Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Ukraine ký sắc lệnh ban hành thiết quân luật; Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush qua đời ở tuổi 94... là những sự kiện thế giới nổi bật trong tuần.

Tổng thống Ukraine ký sắc lệnh ban hành thiết quân luật 
Ngày 26/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký sắc lệnh ban hành thiết quân luật trong 60 ngày trên toàn quốc và văn kiện này sẽ có hiệu lực chính thức khi được quốc hội thông qua.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh ban hành thiết quân luật trong 60 ngày trên toàn quốc.
Theo trang tin của Văn phòng Tổng thống Ukraine, tình trạng thiết quân luật sẽ có hiệu lực từ 15h ngày 26/11 đến 15h ngày 25/1/2019 (giờ Moscow).
Theo đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine sẽ được giao các nhiệm vụ như tổ chức hoạt động phòng không để bảo vệ những mục tiêu trước các vụ tấn công trên không, huy động thêm quân số cùng nhiều biện pháp khẩn cấp khác. 
Quốc hội Ukraine dự kiến đưa ra thảo luận sắc lệnh trên sau đó cùng ngày.
Quyết định trên được Tổng thống Ukraine đưa ra một ngày sau khi lực lượng biên phòng trực thuộc Cơ quan An ninh Liên bang của Nga (FSB) bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine tại Eo biển Kerch gần bán đảo Crimea thuộc Biển Azov khi các tàu này tìm cách xâm nhập trái phép lãnh hải Nga. Vụ việc khiến căng thẳng leo thang giữa hai nước.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc nước này bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine tuân thủ "nghiêm ngặt" luật pháp Nga và quốc tế.
Trả lời báo giới, ông Peskov cáo buộc các tàu trên của Ukraine xâm nhập trái phép vào lãnh hải của Nga cũng như không hợp tác với lực lượng biên phòng Nga.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc Ukraine cố tình khiêu khích với vụ đụng độ ở Eo biển Kerch gần bán đảo Crimea nhằm tạo ra cái cớ để Moscow hứng chịu các trừng phạt mới. Bộ này cũng cho rằng Ukraine “phối hợp hành động với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)” hòng gây xung đột với Nga.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Moscow sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ âm mưu nào làm suy yếu chủ quyền và an ninh của nước này.
Tổng thống thứ 41 của Mỹ George H.W. Bush qua đời ở tuổi 94
Ông George Herbert Walker Bush, tổng thống thứ 41 của Mỹ và là người chứng kiến Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã qua đời ngày 30/11 ở tuổi 94.
Ông George Herbert Walker Bush, tổng thống thứ 41 của Mỹ, đã qua đời ngày 30/11 ở tuổi 94.
Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush qua đời tại nhà riêng ở TP Houston. Cựu tổng thống Bush “cha” được xem là người sống thọ hơn những người tiền nhiệm.
Ông Bush còn được biết tới là một trong những chính trị gia có lý lịch ấn tượngnhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ.
Theo phát ngôn viên Jim McGrath, ông Bush qua đời vào lúc 22h10 ngày 30/11 (giờ địa phương). Ông McGrath cho biết, kế hoạch tổ chức tang lễ cho cựu Tổng thống Mỹ chưa thể công bố và những thông tin liên quan tới sự ra đi của ông Bush cũng chưa được tiết lộ.
"Toàn bộ gia đình Bush biết ơn sâu sắc cho cuộc đời và tình yêu của cha, cho sự tận tâm của những người đã quan tâm và cầu chuyện cho cha, cho lời chia buồn của bằng hữu và những người đồng bào", cựu tổng thống Bush "con" cho biết.
Hai người con trai của cựu Tổng thống Mỹ, một người là George W. Bush, là tổng thống thứ 43 của Mỹ, người còn lại là Jeb Bush, thống đốc của Florida trong hai nhiệm kỳ. Trong đó, cựu Tổng thống George W. Bush giữ 2 nhiệm kỳ từ năm 2001 - 2009.
Cựu Tổng thống Bush sinh ngày 12/6/1924 tại Milton thuộc bang Massachusetts. Cha ông là Prescott Sheldon Bush, một nhà đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng và sau đó làm việc tại Thượng viện Mỹ trong 10 năm.
Trong sự nghiệp chính trị, ông Bush từng đảm nhiệm nhiều vị trí như: Giám đốc CIA (1976 - 1977), Chủ tịch Ngân hàng Quốc tế I tại Houston (1977 - 1980), Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan (1981 - 1989). Vào năm 1988, ông Bush đắc cử Tổng thống Mỹ.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 đạt được sự đồng thuận và ra tuyên bố chung
Hội nghị G20 diễn ra từ ngày 30/11 đến 1/12 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Bên cạnh các chủ đề cơ bản, một số căng thẳng mang tính song phương nhưng có khả năng tác động lớn tới cục diện thế giới mới thực sự là những chủ đề “nóng” của hội nghị. 
Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh lưu niệm trong ngày khai mạc hội nghị.
Một trong những cuộc gặp vừa có ý nghĩa chính trị, ngoại giao và kinh tế quan trọng hàng đầu đang được cả thế giới “trông ngóng” và “mong đợi” chính là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bên lề hội nghị G20 cũng sẽ có một cuộc gặp giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với mục tiêu quan trọng là thúc đẩy hồ sơ liên doanh giữa các hãng sản xuất ô tô lớn của mình Renault - Nissan - Mitsubishi Motors.
Hội nghị ở Buenos Aires cũng là phép thử ngoại giao đối với Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman trong bối cảnh đang có nhiều nghi ngờ về vai trò của chính quyền nước này trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước.

Ngày 1/12, sau 2 ngày làm việc khẩn trương và căng thẳng, Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã chính thức khép lại với việc thông qua tuyên bố chung, khẳng định sự đồng thuận trong những vấn đề được coi là gai góc nhất và có nhiều sự khác biệt nhất như thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường và di cư.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 khẳng định thương mại quốc tế và đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc làm và phát triển, đồng thời thừa nhận sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương để thực hiện mục tiêu này. Các nhà lãnh đạo G20 bày tỏ sự ủng hộ với một sự cải tổ cần thiết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của mình.

Theo Tuyên bố chung, mặc dù vẫn kiên quyết thực hiện quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris, song chính phủ Mỹ khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế và năng lượng thông qua việc sử dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ, cũng như bảo vệ môi trường.

Kết thúc hội nghị, Argentina đã chuyên giao vai trò Chủ tịch luân phiên cho Nhật Bản, nước chủ nhà của hội nghị G20 năm 2019.

2 miền Triều Tiên bắt đầu tái kết nối đường sắt
Một đoàn tàu của Hàn Quốc đã sang tới Triều Tiên lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, đem theo các kỹ sư có nhiệm vụ nâng cấp hệ thống đường sắt đã lỗi thời của Triều Tiên và tạo ra mạng lưới kết nối đường sắt xuyên biên giới.
Đoàn tàu 6 toa, chở theo 28 người Hàn Quốc, gồm các kỹ sư và nhân viên khác, cùng 55 tấn nhiên liệu và một máy phát điện. Khi đến ga Panmun, ga đầu tiên ở Triều Tiên khi vượt qua biên giới, đoàn tàu sẽ được kết nối với một đoàn tàu của Triều Tiên và đầu máy của Hàn Quốc sẽ trở về.
Đoàn tàu 6 toa, chở theo 28 người Hàn Quốc, gồm các kỹ sư và nhân viên khác.
Các kỹ thuật viên, nhân viên Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng sống trên tàu trong 18 ngày và tiến hành khảo sát hai hệ thống đường ray, một nối thành phố Kaesong ở cực Nam tới thành phố Sinuiju gần biên giới với Trung Quốc, và một nối Núi Kumkang gần biên giới liên Triều đến sông Tumen giáp với Nga ở phía Đông. Họ sẽ cùng nhau đi qua khoảng 2.600km đường ray.
Chuyến đi này báo hiệu sự khởi đầu của thịnh vượng chung giữa hai miền Nam-Bắc thông qua tái kết nối đường sắt - một trong những thỏa thuận mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã nhất trí trong năm nay, qua đó giúp mở rộng "địa hạt kinh tế" bởi sự chia cắt Bán đảo Triều Tiên đã khiến Hàn Quốc bị cắt đứt về địa lý với lục địa này nhiều thập kỷ qua.
Dự án đường sắt hiện nay cũng từng phải đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn do lo ngại có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc chống Triều Tiên. Tuy nhiên, hồi tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã quyết định miễn trừng phạt đối với hoạt động khảo sát. Hiện chưa rõ liệu các trừng phạt có tiếp tục được miễn áp dụng trong thời gian thực thi dự án hay không.