Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Bước tiến quan trọng để giải quyết xung đột tại Syria

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại hội đối thoại dân tộc Syria do Nga tổ chức có kết quả đáng khích lệ; Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang lần đầu tiên… là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi: Nhất trí thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 31/1 thông báo các đại biểu dự Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria do Nga bảo trợ diễn ra tại Sochi đã nhất trí thành lập Ủy ban Hiến pháp.
Ngày 31/1, Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria do Nga bảo trợ diễn ra tại Sochi đã bế mạc và thông qua 3 văn kiện, trong đó đáng chú ý có danh sách ứng cử viên tham gia một ủy ban soạn thảo hiến pháp tại Geneva, Thụy Sĩ.
Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria do Nga bảo trợ diễn ra tại Sochi từ ngàyg 30-31/1. Ảnh: Sputnik
3 văn kiện được Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria thông qua gồm tuyên bố kết thúc đại hội, thư kêu gọi của các đại biểu tham dự đại hội, cũng như danh sách ứng cử viên tham gia Ủy ban nghiên cứu các vấn đề liên quan đến soạn thảo Hiến pháp, có nghĩa là tham gia Ủy ban Hiến pháp.
Danh sách này sẽ được chuyển cho đặc phái viên Liên Hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura trong thời gian sớm nhất. 
Phát biểu tại phiên bế mạc, đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura cũng đã xác nhận tuyên bố này.
Theo đó, ủy ban hiến pháp sẽ bao gồm cả đại diện của chính phủ Syria cũng như phe đối lập để soạn thảo một hiến pháp cải tổ. 

Tuyên bố của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria được công bố ngày 30/1 trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga, nêu rõ Syria cần phải trở thành quốc gia dân chủ và người dân có quyền quyết định tương lai của mình.
Tuyên bố nêu rõ Syria phải trở thành một quốc gia dân chủ và không bè phái, dựa trên nguyên tắc đa nguyên chính trị và công dân bình đẳng, không phụ thuộc vào tôn giáo, sắc tộc và giới tính, tôn trọng hoàn toàn và bảo vệ tính tối thượng của pháp luật.Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng chỉ có người dân Syria mới “quyết định được tương lai đất nước của mình bằng các phương tiện dân chủ, bằng con đường bầu cử và cần phải có đặc quyền quyết định thể chế chính trị, kinh tế và xã hội mà không bị áp lực hay sự can thiệp từ bên ngoài, phù hợp với quyền và nghĩa vụ quốc tế của Syria. 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông này, và nhìn chung đã thành công.
Ông Lavrov khẳng định Ủy ban Hiến pháp sẽ hoạt động tại Geneva theo tinh thần của Nghị quyết 2254 của LHQ.
Theo Ban tổ chức, đã có 1.511 đại biểu đại diện cho các tầng lớp xã hội Syria tham dự Đại hội đối thoại dân tộc Syria khai mạc ngày 30/1 tại Sochi. Nhiều tổ chức quốc tế, khu vực được mời tham dự với tư cách quan sát viên. Đại hội kéo dài hơn 9 giờ trong bầu không khí xây dựng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang năm 2018
Rạng sáng 31/1 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đọc bản Thông điệp Liên bang năm 2018 trước lưỡng viện Quốc hội với chủ đề “Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đọc bản Thông điệp Liên bang năm 2018.
Bài phát biểu diễn ra sau một năm tại vị của Tổng thống Trump, mà trong đó ông đối mặt với nhiều sóng gió trên chính trường. Kết quả một khảo sát, tỷ lệ ủng hộ Trump làm tổng thống là 38% trong năm 2017, mức thấp nhất với bất cứ tổng thống Mỹ nào trong năm đầu nhiệm kỳ.
Xuyên suốt trong bài phát biểu của Tổng thống Trump là những thành tựu kinh tế của nước Mỹ trong một năm qua, đồng thời ông nêu chính sách về nhập cư, kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng, tuyên bố đảo ngược chính sách của ông Obama, cũng như nỗ lực xử lý khủng hoảng Triều Tiên của Washington.
Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người kỳ vọng ông sẽ nhắc tới đó là cuộc điều tra can thiệp bầu cử Mỹ, lại không được nêu lên. Đây được coi là vấn đề có thể quyết định tới tương lai của ông Trump và quan trọng hơn bất kỳ một đề xuất lập pháp nào.
Dù nhiều nhà quan sát cho rằng thông điệp liên bang mà ông Trump thể hiện lần này chưa nêu lên được phương hướng hành động cho tương lai nước Mỹ cũng như không thành công trong việc thúc đẩy sự ủng hộ từ phe Dân chủ, nhưng nó mang ý nghĩa tinh thần cho nhiều người, giúp họ đặt niềm tin vào nước Mỹ.
Đoàn Triều Tiên dự Olympic đến Hàn Quốc, em gái ông Kim Jong-un có thể làm trưởng đoàn
Phái đoàn Triều Tiên, bao gồm 10 vận động viên đã đến Hàn Quốc, xác nhận thỏa thuận tham dự Olympic giữa 2 miền Triều Tiên.
Phái đoàn của Triều Tiên gồm 32 thành viên đã hạ cánh ở sân bay quốc tế Yangyang, Hàn Quốc, một tháng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mở ra khả năng tham dự Thế vận hội mùa đông Olympic ở Pyeongchang. Vận động viên 2 nước đã có chuyến luyện tập chung tại một khu trượt tuyết ở Triều Tiên.
Việc phái đoàn Triều Tiên đến Hàn Quốc đã làm giảm bớt sự lo lắng của Seoul sau khi Bình Nhưỡng từng đột ngột hủy bỏ cuộc biểu diễn văn hóa chung giữa 2 nước. Sự hiện diện của các vận động viên sẽ trấn an Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng, Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra suôn sẻ và Bình Nhưỡng sẽ không làm gia tăng căng thẳng liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Ông Won Kil U - Thứ trưởng Bộ Văn hóa và thể thao sẽ dẫn đầu đoàn vận động viên. Trưởng đoàn phụ trách chung hiện vẫn chưa được thông báo. Truyền thông Hàn Quốc dự đoán, trưởng đoàn có thể là quan chức thứ 2 của lãnh đạo Kim Jong-un hoặc em gái ông.
22 vận động viên Triều Tiên sẽ ở lại trong khu liên hợp Olympic cho đến khi Thế vận hội bắt đầu vào 9/2. Hiện tại, các nữ vận động viên khúc côn cầu đã có mặt tại Hàn Quốc. Đoàn vận động 2 nước sẽ cùng diễu hành dưới lá cờ thống nhất vào Lễ Khai mạc. Trước đó, 2 nước từng diễu hành chung vào Thế vận hội mùa đông châu Á 2007.
Dàn nhạc Samjiyon của Triều Tiên dự kiến sẽ có 2 buổi biểu diễn vào 8/2 tại Gangneung và 11/2 tại Seoul.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc bị truy tố thêm tội danh
Các công tố viên Hàn Quốc cáo buộc cựu Tổng thống Park Geun-hye bí mật tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử của các đồng minh chính trị, bổ sung một tội danh liên quan đến hoạt động tranh cử bất hợp pháp vào cáo trạng chống lại bà.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị truy tố thêm tội danh.

Luật Hàn Quốc quy định một khi đắc cử, tổng thống Hàn Quốc chỉ được phép nắm quyền một nhiệm kỳ và không được tham gia bất cứ hoạt động nào liên quan đến bầu cử.
Trước đó nữ cựu tổng thống Hàn Quốc bị cáo buộc 20 tội danh, trong đó có nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, lạm dụng quyền lực và làm rò rỉ bí mật quốc gia.
Quá trình xét xử bà Park bắt đầu vào tháng 5 năm ngoái nhưng bị gián đoạn từ giữa tháng 10 sau khi toàn bộ 7 luật sư bào chữa cho bà đồng loạt nộp đơn rút lui để phản đối quyết định của tòa án kéo dài thời gian tạm giam thêm 6 tháng.
Vụ luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye là vấn đề thu hút sự quan tâm nhất của công chúng Hàn Quốc trong năm qua, theo sau đó là chiến thắng của ông Moon Jae-in trong cuộc bầu cử tổng thống và xếp thứ ba là vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 9/2017.