Thế giới tuần qua: Mexico hứng chịu 260 dư chấn sau cơn động đất thế kỷ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ chương trình bảo vệ trẻ em nhập cư bất hợp pháp và trận động đất mạnh 8,2 độ Richter tại Mexico là những sự kiện nổi bật tuần qua

Siêu bão Irma đổ bộ Carribean, Mỹ chuẩn bị các phương án đối phó
Irma, một trong năm cơn bão mạnh nhất tại khu vực Đại Tây Dương trong vòng 80 năm qua, ngày 6/9 đã càn quét các đảo ở khu vực bắc Carribean mang theo gió mạnh lên tới 300km/h và mưa lớn.
Bão Irma ở cấp độ 5, cấp độ cao nhất, được dự báo là cơn bão mạnh thứ hai đổ bộ vào Mỹ trong năm nay, tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được hướng đi chính xác của bão.
Irma là cơn bão mạnh nhất được ghi nhận ngoài biển Carribean và vịnhMexico. Trên đường đi, cơn bão kinh hoàng kèm theo mưa lớn xối xả đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, phá nát Puerto Rico và đảo Virgin của Mỹ, gây sạt lở đất từ sáng sớm 6/9. 
Thủ tướng Antigua và Barbuda, ông Gaston Browne thông báo siêu bão đã phá hủy khoảng 90% cơ sở hạ tầng và các phương tiện trên hòn đảo này.
“Toàn bộ nhà cửa bị phá hỏng. Đó là một sự tàn phá khủng khiếp. Barbuda chỉ còn là đống đổ nát”, ông Browne nói thêm.
Tại các khu vực khác của Caribe, những tòa nhà đều bị phá hủy, đường phố ngập lụt và người dân bị mắc kẹt sau cơn bão kinh hoàng.
 Irma, một trong năm cơn bão mạnh nhất tại khu vực Đại Tây Dương trong vòng 80 năm qua,đã càn quét các đảo ở khu vực bắc Carribean.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết Puerto Rico chưa từng đón một cơn bão cường độ lớn như Irma sau cơn bão San Felipe vào năm 1928 khiến 2.748 người thiệt mạng ở Guadeloupe, Puerto Rico và Florida.
Thống đốc Puerto Rico, ông Ricardo Rossello đã kêu gọi 3,4 triệu người dân tại khu vực tìm nơi trú ẩn tại 460 khu lưu trú tránh bão.
Thống đốc Rossello cho biết: “Mức độ nguy hiểm của cơn bão này không giống với bất cứ những gì chúng tôi từng chứng kiến. Nhiều cơ sở hạ tầng sẽ không thể chống chịu nổi với sức mạnh này”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/9 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Florida,Puerto Rico và đảo Virgin.
Giới chức tại Bahamas cho biết họ sẽ sơ tán toàn bộ cư dân trên 6 hòn đảo nằm ở đầu phía nam của chuỗi đảo này. 
Trong khi đó, giới chức tại Florida Key, điểm cực Nam bang Florida, đã ra lệnh sơ tán bắt buộc đối với khách du lịch từ rạng sáng 6/9. Các trường học phía nam bang này đều đã đóng cửa. Người dân tại các khu vực đông dân ở các vùng trũng được khuyến cáo chuyển tới các khu đất cao để đề phòng ngập lụt.
Thống đốc bang Florida Rich Scott cho biết, lệnh sơ tán bắt buộc sẽ được ban hành toàn bang nếu bão Irma tiến gần và sóng biển lên tới độ cao 3m.
Công tác đối phó với bão Irma hiện đang được triển khai trong khi các hoạt động khắc phục hậu quả cơn bão Harvey vẫn tiếp tục tại bang Texas và Lusiana.
"Siêu bão thập kỷ" Harvey đã làm gần 50 người thiệt mạng, phá hỏng hàng nghìn ngôi nhà và làm hơn 1 triệu người lâm vào cảnh không nhà cửa.
Tổng thống Trump hủy bỏ chương trình bảo vệ trẻ em nhập cư bất hợp pháp
 Ngày 5/9, Tổng thống Mỹ Donald ra quyết định chấm dứt chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA), tuy nhiên sẽ ra thời hạn 6 tháng để Quốc hội hành động nếu muốn tiếp tục cho phép 800.000 trẻ em được sinh sống và làm việc tại Mỹ.
Ngày 5/9, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions tuyên bố bãi bỏ chương trình DACA của chính quyền Obama (DACA).
Đây là một chương trình do cựu Tổng thống Obama ban hành thông qua sắc lệnh và hiện đã tạo điều kiện cho khoảng 800.000 trẻ em được sinh sống và làm việc tại Mỹ sau khi nhập cư bất hợp pháp.
Ông Sessions cho rằng cựu tổng thống Obama đã vi phạm hiến pháp với chương trình DACA, đồng thời tuyên bố nó sẽ kết thúc "một cách có trật tự và hợp pháp".
Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Trump khẳng định không muốn  trừng phạt những trẻ em nhập cư bất hợp pháp vì hành động của cha mẹ mình, nhưng cần hành động để bảo vệ các quy định luật pháp về nhập cư.
  Ngày 5/9, Tổng thống Mỹ Donald ra quyết định chấm dứt chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA). Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump cho rằng, chương trình bảo vệ trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ của chính quyền Obama là một chương trình vi phạm pháp luật, vi hiến.
Đáp lại, cựu tổng thống Obama cũng ra một thông báo biện hộ cho tính hợp pháp của DACA và kêu gọi quốc hội bảo vệ chương trình.
"Chúng ta đang nói về những người trẻ lớn lên ở Mỹ - những đứa trẻ học tập ở trường học của chúng ta, những người trẻ đang bắt đầu sự nghiệp, những người yêu nước thề trung thành với lá cờ của chúng ta. Những người mộng mơ này chính là người Mỹ từ trong trái tim, trong tâm trí, trong bất kỳ hoàn cảnh nào ngoại trừ trên giấy tờ", ông Obama khẳng định.
DACA thường được biết đến dưới tên gọi chương trình "Những người Mộng mơ".
 Bà Merkel áp đảo đối thủ trong cuộc tranh luận trực tiếp
Theo đánh giá của truyền thông, bà Angela Merkel được xem là giành chiến thắng trong cuộc tranh luận trên truyền hình duy nhất trước thềm bầu cử Đức.
Tối 3/9 theo giờ địa phương, cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng viên Thủ tướng Đức là Đương kim Thủ tướng Angela Merkel​ - đại diện cho Liên minh Dân chủ-Xã hội Cơ đốc (CDU/CSU) và ông Martin Schulz​ - Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD).
Trong 97 phút tranh luận, các ứng viên đã đề cập đến nhiều vấn đề "nóng" của Đức như cuộc khủng hoảng di cư, căng thẳng ngoại giao giữa Đức - Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách đối ngoại, an ninh nội bộ...
 Đương kim Thủ tướng Angela Merkel​ - đại diện cho Liên minh Dân chủ-Xã hội Cơ đốc (CDU/CSU) và ông Martin Schulz​ - Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD).
Ông Schulz chỉ trích quyết định mở rộng biên giới của Thủ tướng Merkel đã kéo theo nhiều hệ lụy như vấn đề giải quyết việc làm, hội nhập, chính sách xã hội, mối đe dọa đến an ninh quốc gia từ các phần tử Hồi giáo cực đoan... 

Về phần mình, Thủ tướng Merkel khẳng định Đức đã nỗ lực phối hợp tốt giữa tiếp nhận người tị nạn để bổ sung vào thị trường lao động Đức, nhất là với lao động nữ. Về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức khẳng định sẽ yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) ngừng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này. Trong khi đó, ông Schulz cũng đưa ra hành động tương tự nếu trở thành Thủ tướng Đức. 

Kết thúc buổi tranh luận, kết quả thăm dò cho thấy, đánh giá về độ tin cậy, tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng Merkel là 49%, bỏ xa ông Schulz với 29%. Về độ thuyết phục trong tranh luận, bà Merkel nhận được 55% sự ủng hộ còn ông Schulz là 35%. Khảo sát nhanh do đài truyền hình ZDF thực hiện cũng cho thấy, Thủ tướng Đức Merkel đã tạo ấn tượng tốt hơn với cử tri trong cuộc tranh luận này. 
Mexico tiếp tục hứng chịu 260 dư chấn sau cơn động đất thế kỷ
Tổng thống Enrique Pena Nieto đã tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân.
Tổng thống Enrique Pena Nieto cho rằng, trận động đất mạnh 8,2 độ Richter này là trận động đất mạnh nhất ghi nhận được ở Mexico trong ít nhất 100 năm qua, thậm chí còn mạnh hơn trận động đất hủy diệt năm 1985, làm trên 10.000 người thiệt mạng ở Mexico City.
Theo các con số mới nhất, trận động đất đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 61 người và hơn 300 người bị thương. Động đất còn gây ảnh hưởng tới ít nhất 50 triệu người tại 12 bang ở Mexico, đặc biệt là tại 2 bang miền Nam Oaxaca và Chiapas.
 Tổng thống Enrique Pena Nieto đã tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân.
Cơ quan địa chấn quốc gia Mexico thông báo tới thời điểm hiện tại đã ghi nhận trên 260 dư chấn, trong đó cao nhất là 6,1 độ Richter và nhiều khả năng sẽ có dư chấn lên đến 7 độ Richter.
Cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ trong khi công tác cứu hộ và sơ tán người dân tại các khu vực ven biển đang được tiến hành hết sức khẩn trương. Hiện, lực lượng cảnh sát, binh sỹ và cứu hộ đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm và giải cứu những người còn may mắn sống sót trong đống đổ nát.
Nhà chức trách Mexico vẫn đang tiếp tục thống kê các thiệt hại về vật chất sau khi xảy ra trận động đất nói trên ở Chiapas và Oaxaca, nơi có thị trấn Juchitan chứng kiến rất nhiều ngôi nhà sụp đổ, trong đó có cả tòa nhà thị chính. Chính phủ Mexico cho biết trận động đất không phá hủy hoàn toàn các con đường ở bang Chiapas, Oaxaca và Tabasco và việc sửa chữa có thể được tiến hành nhanh chóng.
Ngoài 3 bang nêu trên, tất cả các sân bay, bến cảng, hệ thống đường sắt và viễn thông liên lạc trên cả nước vẫn hoạt động bình thường.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần