Nga trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, đóng cửa Hội đồng Anh
Ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Nga đã thông báo quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, đồng thời rút giấy phép hoạt động của Tổng lãnh sự Anh tại TP Saint Petersburg.
Bộ Ngoại giao Nga vừa thông báo Moscow sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh để đáp trả việc trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga trước đó của Anh. Đồng thời, Moscow sẽ đóng cửa Hội đồng Anh tại Nga, và ngừng cấp phép cho phía Anh mở lãnh sứ quán ở thành phố St Petersburg.
Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Anh tại Nga Laure Bristow tới để thông báo quyết định trên. Phía Nga yêu cầu 23 nhà ngoại giao trên phải rời Nga trong vòng 1 tuần.
Đây là động thái mới nhất trong cuộc đối đầu ngoại giao giữa Anh và Nga về vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở TP Salisbury, phía nam nước Anh hôm 4/3 vừa qua.
Trước đó, Nga đã cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả "cứng rắn, nhanh chóng và tương xứng" sau khi Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga và rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh, đồng thời trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh.
Mối quan hệ giữa hai nước đã gia tăng căng thẳng trong những ngày qua khi Anh liên tục cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia bằng chất độc thần kinh, dù không đưa ra bằng chứng nào. Skripal từng là điệp viên của Nga và đang làm việc ở cục tình báo MI6 của Anh.
Nga khẳng định không liên quan tới vụ việc trên, đồng thời đề nghị phối hợp điều tra với Anh, song không nhận được phản hồi của London.
Bất đồng về vấn đề Nga, ông Trump sa thải Ngoại trưởng
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson sau một loạt các bất đồng công khai về vấn đề Triều Tiên và Nga.
Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Mike Pompeo sẽ thay thế vị trí của ông Rex Tillerson. Phó Giám đốc CIA Gina Haspel sẽ thay thế ông Pompeo tại cơ quan tình báo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố thông tin này trên Twitter cá nhân.“Ông Mike Pompeo sẽ trở thành Bộ trưởng Ngoại giao mới. Ông ấy sẽ thực hiện tốt công việc này”, ông Trump viết trên Twitter cá nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson (bên trái) và Giám đốc CIA Mike Pompeo sẽ thay thế vị trí của ông Tillerson. |
Đây là động thái xáo trộn nội các lớn nhất của ông Trump kể từ khi nắm quyền hơn một năm trước, trong bối cảnh Washington đang phải chuẩn bị cho cuộc gặp chưa từng có với lãnh đạo Triều Tiên.
Việc từ chức của ông Tillerson diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng giữa Tổng thống Trump và cựu giám đốc điều hành hãng Exxon Mobil.
Hôm thứ Hai (12/3), ông Tillerson đã đổ lỗi cho Nga vì đầu độc một cựu điệp viên Nga và con gái tại Anh. Trước đó, Người Phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders đã không cho rằng Moscow chịu trách nhiệm về việc này.
Một quan chức cao cấp Nhà Trắng cho biết, ông Trump đã yêu cầu ông Tillerson từ chức từ hôm thứ Sáu tuần trước (9/3) nhưng chưa công bố vì ông Tillerson đang có chuyến công du ở châu Phi. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi cựu Bộ trưởng Ngoại giao hạ cánh xuống Washington sau chuyến đi.
Cũng theo vị quan chức này, Tổng thống Mỹ hợp tác tốt với ông Pompeo và muốn ông đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao trước cuộc hội đàm với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các cuộc đàm phán thương mại.
Ông Tillerson không có kinh nghiệm chính trị hay ngoại giao trước khi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao. Ông là quan chức cao cấp mới nhất bị sa thải hoặc từ chức kể từ khi ông Trump nắm quyền. Các quan chức khác bao gồm chiến lược gia trưởng Steve Bannon, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, Giám đốc FBI James Comey, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus...
Bà Angela Merkel tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4
Tối 14/3, Thủ tướng Angela Merkel đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4 sau khi được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier chính thức bổ nhiệm.
Sau khi được Quốc hội Đức vào sáng cùng ngày bỏ phiếu bầu làm Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 với 364 phiếu ủng hộ, 315 phiếu chống và 9 phiếu trắng, Thủ tướng Merkel cùng các bộ trưởng đã được Tổng thống Steinmeier bổ nhiệm chính thức.
Nữ Thủ tướng Merkel, 63 tuổi, cùng các bộ trưởng đã tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội liên bang với sự có mặt của các nghị sĩ Quốc hội (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện).
Chính phủ mới của Đức gồm 17 thành viên, do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu. Đây là nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư liên tiếp của bà Merkel, bắt kịp thành tích của bậc tiền bối Helmut Kohl, người giữ vị trí Thủ tướng Đức từ năm 1982 đến 1998.
Chiến thắng của bà Merkel đánh dấu bước đi cuối cùng trên con đường dẫn tới việc thành lập chính phủ mới và sự tái xuất của "Đại liên minh" (GroKo) giữa liên minh Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU)/Liên đoàn Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD).
Cựu Chủ tịch đảng SPD Martin Schulz ban đầu phản đối thành lập GroKo, đồng thời cam kết đưa đảng của ông vào thế đối lập. Nhưng sau đó, ông thay đổi quan điểm sau khi các cuộc đàm phán liên minh giữa CDU, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) sụp đổ hồi tháng 11 năm ngoái. Diễn biến nói trên đồng nghĩa với việc Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) chính thức trở thành đảng đối lập dẫn đầu trong Quốc hội. AfD được thành lập năm 2013 và được biết đến với đường lối chống nhập cư trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2017.
Ngày 16/3, bà Merkel dự kiến đến thủ đô Paris để thảo luận về các kế hoạch cải cách của Liên minh châu Âu (EU) với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước thềm hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ ngày 22 - 23/3. Thủ tướng Merkel cho biết Berlin chủ trương hợp tác chặt chẽ hơn nữa với EU về quốc phòng, nhập cư và kế hoạch thành lập một quỹ tiền tệ châu Âu.
Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp cho đến nay, Thủ tướng Merkel luôn dẫn dắt nước Đức xứng đáng là đầu tàu kinh tế của châu Âu và giữ vững ngôi vị nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, vượt qua mọi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu.
Ông Tập Cận Bình được tái bổ nhiệm Chủ tịch Trung Quốc
Hội nghị Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII ngày 17/3 đã tín nhiệm bầu ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước thêm một nhiệm kỳ nữa và ông Vương Kỳ Sơn làm Phó Chủ tịch nước.
Sáng 17/3, tại Đại Lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII đã tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 5 nhằm biểu quyết Dự thảo quyết định về phương án cải tổ cơ quan Quốc Vụ viện, biểu quyết Dự thảo bầu cử, bổ nhiệm trong Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XIII, bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.
Hội nghị đã tín nhiệm bầu ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy trung ương thêm một nhiệm kỳ nữa.
Cũng tại kỳ họp quốc hội nói trên, ông Vương Kỳ Sơn (70 tuổi), cựu Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra luật trung ương (CCDI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) được bầu làm Phó chủ tịch nước này. Các đại biểu còn bầu ông Lật Chiến Thư làm Chủ nhiệm BanThường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc - vị trí đứng đầu quốc hội nước này.
Ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức vừa được bầu đã tuyên thệ. Nhiệm kỳ thứ 2 của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ kết thúc vào năm 2023.
Trước đó, ngày 11/3, với 2.958 phiếu thuận, 2 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 1 phiếu không hợp lệ, Quốc hội Trung Quốc khóa XIII đã thông qua các nội dung sửa đổi Hiến pháp, trong đó có đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước. Ngoài việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, nội dung sửa đổi Hiến pháp lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua này còn bao gồm việc đưa tư tưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình vào Hiến pháp Trung Quốc.
Kỳ họp quốc hội thường niên của Trung Quốc, khai mạc ngày 5/3, sẽ kết thúc vào ngày 20/3 tới.