KTĐT - Các nền kinh tế châu Á đang mắc kẹt trong cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về việc có nên tăng giá đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD để bình ổn nền kinh tế toàn cầu đang bị mất cân bằng hay không.
Đồng USD sụt giá đã giáng hai đòn chí tử vào các nền kinh tế châu Á vốn định hướng chủ yếu vào xuất khẩu: làm giảm lượng hàng hóa xuất khẩu và giảm nghiêm trọng giá trị dự trữ ngoại tệ. Một số người cho rằng đồng USD sụt giá là cần thiết để giảm bớt sự mất cân bằng thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, đồng USD lại không mất giá nhiều so với đồng NDT, vốn được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Gerard Lyons, nhà kinh tế chính của Standard Chartered, nói: "Phương Tây cần tiết kiệm hơn, còn châu Á và Trung Đông phải chi tiêu nhiều hơn. Cần phải có sự điều chỉnh các loại tiền tệ. Vấn đề lớn hiện nay là đồng NDT vẫn ổn định so với đồng USD. Sự ổn định của đồng NDT đã khiến cho nhiều nước châu Á phải vật lộn để ổn định đồng nội tệ của họ nhằm duy trì khả năng cạnh tranh".
Vấn đề tiền tệ có nguy cơ thổi bùng sự căng thẳng thương mại khi các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) gồm 21 thành viên nhóm họp tại Singapore từ ngày 14 - 15/11 tới để thảo luận về nền kinh tế toàn cầu và tự do thương mại. Đồng USD đã bị mất giá 15% so với 6 loại tiền lớn khác vào thời kỳ đỉnh điểm là đầu năm nay, và mới đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm so với các loại tiền tệ khác ở khu vực châu Á.
Bề ngoài, các quan chức Mỹ tỏ ra ủng hộ "đồng USD mạnh", song họ lại không hành động để ngăn chặn sự mất giá của nó - điều nhiều người cho là cần thiết để giảm thâm hụt thương mại khổng lồ và hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn duy trì tỷ giá NDT/USD từ lần điều chỉnh gần đây nhất hồi tháng 7/2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động đến ngành xuất khẩu của họ.
Giới thương gia cho biết do không thể cạnh tranh được với các nhà xuất khẩu Trung Quốc, trong những tuần qua, một số ngân hàng trung ương trong khu vực - chủ yếu là ở Đông A - đã phải mua vào đồng USD để hạn chế sự tăng giá của đồng nội tệ. Theo các chuyên gia, chưa chắc Trung Quốc đã nới lỏng việc kiểm soát đồng NDT cho tới khi nước này tin rằng nền kinh tế đã thoát khỏi thời kỳ bất ổn hiện nay nên sự tăng giá của đồng NDT so với đồng USD sẽ diễn ra từ từ.
Hoạt động tín dụng gần như tự do ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt rót tiền vào các tài sản nhiều rủi ro như cổ phiếu và hàng hóa, đồng thời dẫn đến tình trạng bán tháo đồng USD. Giáo sư Nouriel Roubini của trường Đại học New York (Mỹ) - được mệnh danh là "Mr Ngày tận thế" vì đã dự báo trước được về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu- lưu ý rằng chính sách 'bừa bãi' của Mỹ vốn tiếp tay cho kiểu đầu tư "cary trade" đang buộc các nước khác phải đi theo chính sách tiền tệ dễ dãi của họ.
Một số nhà phân tích coi việc Ấn Độ mới đây mua 200 tấn vàng của IMF trị giá 6,7 tỷ USD là dấu hiệu rõ ràng về sự giảm sút lòng tin đối với đồng USD. Trung Quốc cũng đang tăng cường dự trữ vàng và mua tài sản ở nước ngoài, trong lúc Mỹ tìm cách tái khẳng định với Bắc Kinh rằng lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Bắc Kinh đang nắm giữ là rất an toàn, trong bối cảnh nợ nhà nước của Mỹ tăng đột biến.
Gerard Lyons cho rằng "thế tiến thoái lưỡng nan của rất nhiều nước hiện nay là việc sớm thắt chính sách tiền tệ có thể thu hút luồng “tiền nóng” đổ vào. Tuy nhiên, chờ đợi có thể gây ra tình trạng lạm phát giá tài sản".