Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thể thao Hà Nội: Chưa thể “kê cao gối ngủ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù liên tiếp dẫn đầu tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc nhưng thể thao Hà Nội vẫn bị "mang tiếng" là chỉ thành công với những môn không có trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic.

Vậy với 167 HCV, 118 HCB, 137 HCĐ cùng ngôi vị dẫn đầu toàn đoàn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII liệu có giúp cho thể thao Hà Nội được "minh oan"?

“Minh oan”

Nếu chỉ nhìn vào 10 chiếc HCV của môn Pencak silat và 17 HCV môn Wushu cùng vị trí dẫn đầu tại 2 môn này, những người vốn có định kiến rằng thể thao Hà Nội chỉ tốt ở nhóm những môn không cơ bản sẽ có thêm lý lẽ cho nhận định của mình. Thế nhưng, nếu nhìn tổng quan vào thành tích của thể thao Thủ đô tại kỳ Đại hội vừa qua thì người ta sẽ có cái nhìn khác hẳn. Trong số 18 môn thể thao Olympic có trong chương trình thi đấu tại Đại hội, thể thao Hà Nội có tới 8 môn dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương, ở các môn: Thể dục dụng cụ (7 HCV, 6 HCB, 5 HCĐ), vật (8, 1, 6), taekwondo (5, 3, 5), bắn cung (17, 12, 18), canoeing (10, 6, 10), rowing (7, 1, 2), đấu kiếm (5, 7, 5), nhảy cầu (6 HCV, 2 HCB). Hà Nội còn đứng thứ nhì ở 6 môn là cử tạ (13 HCV, 1 HCB, 9 HCĐ), judo (4, 2, 2), bắn súng (13, 22, 8), bóng bàn (2, 2, 2), boxing (3, 4, 7), xe đạp (4, 2, 2)...
VĐV Hà Nội giành HCV môn thể dục dụng cụ.
VĐV Hà Nội giành HCV môn thể dục dụng cụ.
Như vậy, những người làm thể thao của Thủ đô có thể tự hào rằng, thành công của thể thao Hà Nội tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII không chỉ dựa vào thế mạnh truyền thống của những môn "đi tắt, đón đầu" như Wushu, Pencak silat, mà còn dựa phần lớn vào các môn Olympic, những môn sẽ hòa trong dòng chảy hướng ra biển lớn của thể thao Việt Nam. Ở kỳ Đại hội này, ngay cả khi chưa cộng thêm huy chương từ thành tích của các VĐV đoạt huy chương tại các kỳ Asian Games, SEA Games thì thể thao Hà Nội vẫn khẳng định được ngôi vị cao nhất với 167 HCV, 118 HCB, 137 HCĐ. Hà Nội cũng bỏ khá xa đoàn đứng ở vị trí thứ hai là TP Hồ Chí Minh (124 HCV, 103 HCB, 103 HCĐ) và đoàn xếp thứ ba là Quân đội (75 HCV, 54 HCB, 91 HCĐ). Điều đó thêm một lần nữa khẳng định sức mạnh của thể thao Thủ đô và cho thấy thành quả của ngày hôm nay đến từ công gieo trồng của nhiều năm trước đó, với việc phát triển lực lượng một cách bền vững, cả về bề rộng lẫn bề sâu, cả về thể thao thành tích cao lẫn thể thao phong trào.

Năm 2014 cũng được xem là năm thành công của thể thao Thủ đô khi không chỉ dẫn đầu Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII mà còn đóng góp đáng kể vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 17. Trong thành tích 1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ mà đoàn thể thao Việt Nam giành được, đoàn thể thao Hà Nội đã đóng góp 1 HCV, 4 HCB, 11 HCĐ, chiếm 44,4% tổng số huy chương, khẳng định là địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao. Trong đó, chiếc HCV duy nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 17 được mang về bởi võ sĩ wushu Hà Nội Dương Thúy Vi, 4 HCB của thể thao Hà Nội đều thuộc về các VĐV ở các môn Olympic là: Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo), Đặng Hồng Hà (bắn súng) và Phạm Thị Hài (rowing).

Vẫn còn những trăn trở

Tuy thành công ở hầu hết các môn Olympic tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, nhưng vẫn còn đó nỗi lo về việc kế thừa lực lượng ở một số môn. Chẳng hạn với môn bóng bàn, cả 2 chiếc HCV của Hà Nội đều do công của VĐV kỳ cựu Trần Tuấn Quỳnh. Tuấn Quỳnh giờ cũng đang ở ngã rẽ bên kia của đỉnh cao phong độ do vấn đề tuổi tác nhưng sau lưng anh, vẫn chưa cho thấy nhiều nhân tố trẻ có thể thay thế được.
Khiêu vũ thể thao là một trong những môn                 thế mạnh của thể thao Thủ đô.
Khiêu vũ thể thao là một trong những môn thế mạnh của thể thao Thủ đô.
Đáng lo ngại hơn ở môn bơi lội, sau sự ra đi đột ngột của kình ngư Đỗ Huy Long, thể thao Hà Nội chưa giới thiệu được một tên tuổi nào, và đó là lý do khiến bơi lội Hà Nội trắng HCV tại Đại hội. Ở môn cử tạ trước đây, Hà Nội luôn dẫn đầu nhưng giờ cũng đã để TP Hồ Chí Minh vượt qua.

Ngay cả ở bảng tổng sắp huy chương, dù bỏ xa đoàn ở vị trí thứ hai tới 23 HCV nhưng khoảng cách này đã bị thu ngắn so với kỳ Đại hội trước. Ở Đại hội VI, dù châm chước yếu tố số lượng bộ huy chương lớn hơn nhưng nhìn một cách tổng quan thì khoảng cách giữa đoàn đứng đầu là Hà Nội và đoàn thứ hai là TP Hồ Chí Minh (64 HCV) vẫn xa hơn ở kỳ Đại hội này. Thế nên nếu thể thao Hà Nội không nỗ lực hơn thì rất có thể các địa phương khác, mà gần nhất là TP Hồ Chí Minh sẽ bắt kịp.

Không những thế, trên bình diện quốc tế, mấy năm nay, thể thao Hà Nội chưa giới thiệu được gương mặt nổi trội nào ở các môn Olympic. Chẳng hạn Đà Nẵng có Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) rồi Hoàng Quý Phước (bơi lội) hay như TP Hồ Chí Minh có Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Tiến Minh (cầu lông); Quân đội có Ánh Viên (bơi lội), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)... Có nghĩa là thể thao Hà Nội chưa thực sự có những VĐV đạt đẳng cấp như nhiều địa phương khác, dù tiềm lực về kinh tế, về đầu tư, cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia đều vượt trội hơn hẳn.

Thế nên, nhìn vào thành công tại ASIAD 17 và Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII để những người làm công tác thể thao của Thủ đô thấy được những "khoảng trống" sau lưng rồi bồi đắp sẽ tốt hơn việc "kê cao gối mà ngủ".