Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm chế tài, tăng giám sát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN) đã tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên trên 921.000 tỷ đồng năm 2012 (tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty), nhưng cơ chế chính sách sử dụng vốn Nhà nước tại nhiều DN Nhà nước (DNNN) cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập.

Thất thoát, nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, đầu tư ngoài ngành, sở hữu chéo chằng chịt… đòi hỏi phải có những thay đổi trong quản lý, giám sát.
Kiểm tra vận hành hệ thống trên giàn khoan Rạng Đông. Ảnh: Việt Cường
Kiểm tra vận hành hệ thống trên giàn khoan Rạng Đông. Ảnh: Việt Cường
Sẽ có luật quản lý vốn Nhà nước

Năm 2013, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, soạn thảo Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong phiên họp chuyên đề của Chính phủ mới đây, Bộ này đã xin được điều chỉnh tên Dự án Luật thành Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Dự án Luật được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý cao cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN trên cơ sở kế thừa những quy định dưới luật đã ban hành có liên quan đang thực hiện ổn định và có hiệu quả; đồng thời bổ sung thêm những vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn cần phải có sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời, nhằm phân định và làm rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu Nhà nước trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đã đầu tư tại DNNN; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý DN. Đây cũng là một trong những "nút thắt" cần sớm được cởi gỡ để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các DNNN.

Ngoài ra, theo đánh giá của TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN sẽ góp phần khắc phục việc DN sử dụng vốn, tài sản Nhà nước để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải, song vẫn tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn của Nhà nước đã đầu tư vào DN.

Từng đồng vốn sẽ được giám sát chặt hơn

Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN sẽ tập trung điều chỉnh việc đầu tư,  quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN tại Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại DN khác thông qua người đại diện. Trong quá trình lấy ý kiến, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định phạm vi điều chỉnh như trên sẽ thống nhất, không chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với nguyên tắc chung về việc sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước. Dự án Luật điều chỉnh các quy định liên quan đến đầu tư vốn Nhà nước vào DN như: Về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào DN; Về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn Nhà nước vào DN. Bên cạnh đó, một số nội dung về quản lý vốn Nhà nước tại DN như: Vốn điều lệ của DN; Quản lý, sử dụng tài sản cố định; Quản lý nợ phải thu, nợ phải trả; Đầu tư vốn ra ngoài DN; Vai trò điều tiết của Nhà nước đối với việc phân phối lợi nhuận của DN… cũng được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, gắn chặt với trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các DN. Đây cũng là cơ sở bước đầu trong việc công khai, minh bạch, khắc phục những hạn chế trong việc quản lý vốn Nhà nước, đầu tư công… tồn tại trong thời gian qua.