Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm nhiều xã đăng ký đạt chuẩn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, đến hết năm 2014, các huyện, thị xã trên toàn TP Hà Nội có thêm 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Tuy nhiên, số lượng các xã theo đăng ký sẽ đạt chuẩn trong năm nay đã tăng lên thành 84 xã. Tại Hội nghị giao ban Chương trình 02 của Thành ủy vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đề nghị các huyện, thị xã tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tập trung nguồn lực đưa các xã về đích NTM theo đúng tiến độ.Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến tháng 9/2014, toàn TP có 38/386 xã đạt chuẩn NTM; 178/386 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí. So với quý II/2014, số xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí tăng lên 27 xã.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện. Điển hình là việc số xã có đường ô tô đến trụ sở được cứng hóa đạt 100%. Số  thôn có điện đạt 100%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,56%, trong đó nước sạch đạt 35,26%. Đặc biệt, 100% số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát, không có trường phải học 3 ca. 100% số xã có trạm y tế, có hệ thống loa truyền thanh. Công trình nhà văn hoá, sân vận động, trung tâm thể thao từ cấp thôn, xã đến huyện ở nhiều nơi được đầu tư xây dựng khang trang. Hệ thống đê điều, kênh mương thuỷ lợi được củng cố, nâng cấp, cứng hoá, đảm bảo an toàn trong phòng chống lũ và tiêu úng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế...

Hiện nay, trong điều kiện nguồn kinh phí còn khó khăn, hầu hết các địa phương đã chủ động bố trí nguồn vốn của huyện, xã và huy động các nguồn vốn xã hội hóa, các DN, hộ gia đình... tập trung thực hiện hoàn thành các xã đăng ký năm 2014. Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2015 và các năm tiếp theo, phấn đấu hoàn thành mỗi năm từ 2 - 4 tiêu chí.

Đến thời điểm này, toàn TP đã dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được 74.158/76.365ha, đạt 97,11% kế hoạch. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp sau DĐĐT đều được quy hoạch lại, giao thông thủy lợi nội đồng được xây dựng theo tiêu chuẩn, tiêu chí NTM. Cơ giới hóa đã và đang được các huyện tập trung đầu tư vào một số khâu chính như làm đất, gieo cấy và thu hoạch.

Sau DĐĐT, nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đã hình thành ở hầu hết các địa phương có quy hoạch. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao với giá trị từ 0,5 - 1,5 tỷ/ha/năm,  thậm chí có nơi đạt 2,5 - 3 tỷ/ha. Đó là mô hình hoa, cây cảnh ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Thạch Thất, Thường Tín... mô hình cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức… mô hình chăn nuôi xa khu dân cư như ở một số xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Đông Anh... mô hình rau an toàn ở Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Phúc Thọ, Gia Lâm… Đối với diện tích đất 2.206ha (chiếm 2,89%) của các địa phương chưa thực hiện xong DĐĐT, hiện các địa phương này đang tập trung chỉ đạo các bước chuẩn bị, để sau khi thu hoạch vụ mùa tiến hành giao ruộng cho các hộ dân, phấn đấu cơ bản thực hiện xong trong quý IV/2014.