Kinhtedothi - Sau khi cơ quan quản lý áp giá trần đối với mặt hàng sữa, điều mà người tiêu dùng băn khoăn là các hãng sữa tìm cách lách quy định. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nhằm bình ổn thị trường này.
Thưa ông, việc triển khai áp giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi đã được triển khai, nhưng dư luận lại hoài nghi về khả năng "lách luật" của DN sữa, đơn cử như tên gọi sản phẩm?
- Hiện, vẫn tồn tại hai loại sản phẩm là mặt hàng sữa và những sản phẩm khác có tên gọi như bổ sung vi chất. Đây là điều cần phân định rõ để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, chỉ khi sản phẩm gọi là sữa thì cơ quan chức năng mới có thể thực hiện bình ổn giá. Chúng tôi đã gửi công văn tới Bộ Y tế 30 dòng sản phẩm, tuy nhiên tới hiện tại, chúng tôi mới nhận được trả lời khoảng 12 sản phẩm gọi là sữa. Số sản phẩm còn lại không được gọi là sữa nên rất khó để thực hiện bình ổn giá.
Ngoài biện pháp áp giá trần, Bộ Tài chính có tính thêm phương án nào mạnh hơn?
- Đối với giá sữa sau khi những biến động bất thường thì 2 biện pháp bình ổn giá và áp giá trần là tối ưu. Nếu thị trường vẫn không bình ổn thì sẽ có những biện pháp mạnh hơn như sử dụng các công cụ thanh tra, kiểm tra xử phạt những DN vi phạm để làm gương. Trong đó, mỗi lần DN kê khai giá sẽ phải thực hiện một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, ở lần bình ổn giá sữa này cần sự đồng lòng của DN và người tiêu dùng.
Tại sao Bộ Tài chính chỉ thực hiện áp trần giá sữa trong một năm?
- Vì tính chất hành chính nên chúng ta không nên áp dụng một cách tràn lan. Theo quy định của Bộ Tài chính, biện pháp đăng ký giá là sau 12 tháng sau đó, chúng tôi sẽ có đánh giá tổng kết báo cáo Chính phủ. Thời điểm đó, nếu thị trường diễn biến tốt thì có thể tính tới gỡ việc áp giá trần, còn nếu thị trường vẫn xấu thì cơ quan chức năng sẽ kiến nghị Chính phủ gia hạn thêm thời gian bình ổn giá.
Xin cảm ơn ông!