Tăng do giá thực phẩm
Sau 2 tháng giảm tốc liên tiếp, giá cả tiêu dùng tháng 7 lại phát đi tín hiệu leo thang. Nguyên nhân chính là do tác động của khu vực hàng ăn và dịch vụ ăn uống (đặc biệt là giá thực phẩm), nhóm chiếm đến hơn 40% quyền số trong rổ hàng hóa tính CPI. Tính chung trên cả nước, chỉ số giá tại nhóm hàng ăn - dịch vụ ăn uống tăng 2,12%, là nhóm tăng cao nhất trong tháng và cũng cao hơn nhiều so với con số 1,79% của tháng trước. Tác nhân gây tăng giá chính trong nhóm là thực phẩm (tăng tới 3,02%) và khu vực ăn uống ngoài gia đình (1,78%). Cùng với giá thực phẩm, các nhóm còn lại cũng đều ghi nhận mức tăng giá từ 0,26% (giáo dục) đến 0,74% (may mặc, mũ nón, giầy dép). Trong khi đó, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông và lương thực là 2 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm nhẹ so với tháng trước, mức giảm lần lượt là0,02% và 0,78%
Thách thức những tháng cuối năm
Sau 7 tháng, chỉ số CPI của cả nước đã gần chạm tới ngưỡng thấp (15%) trong mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay của Chính phủ (15 - 17%). Trong khi đó, nếu tính trung bình thì 7 tháng đầu năm nay, CPI đã tăng 16,89% so với 7 tháng đầu năm ngoái. Như vậy, CPI tháng 7 không chỉ không duy trì được đà giảm tốc của CPI của tháng 5 và tháng 6 mà còn, nếu xét về "lịch sử", tốc độ tăng CPI của các tháng 7, con số 1,17% là mức tăng rất cao. Qua số liệu thống kê cho thấy, ngoại trừ 2007 - 2008, là hai năm có lạm phát cao, CPI tháng 7 tăng khá cao, xấp xỉ 1% (tương ứng tăng 0,94% và 1,13%), thì tất cả các tháng 7 của các năm từ năm 2004 trở lại đây, CPI chỉ tăng khoảng 0,4 - 0,5% so với tháng trước. Thậm chí, tháng 7/2010, CPI chỉ tăng 0,06%.
Điểm lại diễn biến CPI trong các tháng 7 và qua 7 tháng đầu năm, có thể thấy rằng, khả năng giữ lạm phát năm nay ở mức 15-17% đang ngày càng trở nên khó hơn. Tính toán một cách số học, để có thể giữ lạm phát ở mức 17%, 5 tháng còn lại, tốc độ tăng CPI không được vượt quá 2,39%, tương đương khoảng 0,47%/tháng. Điều này, theo các chuyên gia kinh tế là khó xảy ra, khi mà giá cả nhiều mặt hàng vẫn đang xu hướng tăng, các tháng cuối năm cũng là những tháng mà nhu cầu mua sắm tăng cao...
Cũng trong tháng 7, chỉ số giá vàng tiếp tục tăng 0,87% trong khi USD giảm 0,18%. Đây là 2 mặt hàng không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI.
Trước sự trồi sụt bất thường của chỉ số CPI, đã có ý kiến e ngại rằng, tháng 8 tới, rất có thể đà tăng của chỉ số này sẽ bị nới rộng. Thậm chí, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nhận định, CPI năm 2011 có thể lên tới con số 20%, tương đương, hoặc cao hơn lạm phát của năm 2008.
Giảm giá thực phẩm sẽ giảm CPI
Chiếm hơn 40% quyền số trong rổ hàng hóa tính CPI, khu vực hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng trong tháng qua bị ảnh hưởng không nhỏ bởi giá của nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao. Để giảm sức ép tăng giá thực phẩm, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, từ Trung ương đến địa phương đều cần phải có hoạt động chỉ đạo gia tăng sản xuất, nuôi trồng... Thêm nữa, khâu bán lẻ cần được tổ chức lại, phát triển hệ thống phân phối. Đối với rau không có gì lo lắng bởi mùa vụ ngắn, chỉ một tháng là có một vụ rau mới nên nếu tập trung mạnh gieo trồng, nguồn cung sẽ sớm được cải thiện. Còn đối với thực phẩm, như thịt lợn sẽ khó khăn hơn vì tính chất chu kỳ dài hơn. Trao đổi với báo chí mới đây, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN-PTNT thừa nhận: 6 tháng qua, tổng đàn lợn trên cả nước giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, cách bình ổn tốt nhất hiện nay là thúc đẩy chăn nuôi tại các vùng trọng điểm để tăng cung cho thị trường.
Bên cạnh đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng cần chú trọng tổ chức lại hệ thống phân phối để giảm bớt các đầu mối trung gian, giảm chi phí. Thực tế, nạn ép giá hiện nay diễn ra công khai và lan rộng khiến cả nông dân và người tiêu dùng đều phải chịu thiệt. "Cái khổ nhất là, hàng hóa có nhưng giá cả vẫn tăng cao do ách tắc lưu thông", ông Phú nhận xét.
Là nhóm hàng luôn dẫn đầu trong rổ hàng hóa để tính CPI, kiềm chế tăng giá nhóm hàng này trong những tháng tới là nhiệm vụ trọng tâm góp phần không nhỏ vào kiềm chế tăng CPI.