Thêm UAE tham gia cuộc đua sản lượng, giá dầu lao dốc 3%

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” quay đầu đi xuống sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tuyên bố sẽ cùng Ả Rập Saudi tăng sản lượng lên mức cao nhất từ tháng 4.

Giá dầu sụt 3% trong phiên giao dịch ngày 11/3 do lo ngại nguồn cung toàn cầu dư thừa khi 2 thành viên trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), gồm Ả Rập Saudi và UAE đều thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu mỏ từ tháng tới.
Trong khi đó, những lo ngại về sự suy giảm kinh tế do bùng phát dịch Covid-19 và tác động của nó đối với nhu cầu năng lượng tiếp tục gây áp lực giảm lên giá dầu trong phiên này.
Giá dầu quay đầu đi xuống trong phiên 11/3.
Nguồn dầu bổ sung từ 2 quốc gia vùng Vịnh tương đương khoảng 3,6% nguồn cung dầu toàn cầu diễn ra trong bối cảnh nhuu cầu năng lượng thế giới trong năm 2020 được dự báo tăng yếu nhất trong gần 1 thập kỷ do ảnh hướng từ dịch Covid-19.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 1,09 USD, tương đương gần 3% xuống còn 36,13 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 1,06 USD, khoảng 3,1%, được giao dịch ở mức 33,30 USD/thùng.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng được thực hiện từ đầu năm 2017 giữa OPEC cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, đã kết thúc vào ngày 6/3, sau khi Moscow từ chối tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn nữa để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19.
Ông Amin Nasser - Giám đốc điều hành Saudi Aramco cho biết, Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi đã yêu cầu tập đoàn dầu khí quốc gia này nâng sản lượng từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày.
Hiện nay, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới đang bơm tổng cộng 9,7 triệu thùng/ngày, trong khi công suất sản xuất dầu của nước này là 12 triệu thùng/ngày và nước này cũng đang dự trữ hàng trăm triệu thùng dầu.
Trong khi đó, công ty dầu khí quốc gia ADNOC của UAE cũng sẽ tăng nguồn cung dầu thô lên hơn 4 triệu thùng/ngầy trong tháng 4 và đẩy nhanh kế hoạch tăng công suất sản xuất lên mức 5 triệu thùng/ngày, mục tiêu mà nước này dự định đạt được vào năm 2030.
Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho biết giá dầu sẽ đối mặt áp lực suy yếu trừ khi OPEC thuyết phục được Nga quay lại bàn đàm phán về chính sách sản lượng.
Giá dầu đã tăng khá mạnh trong đầu phiên này, lấy lại gần một nửa mức giảm 25% trong ngày 9/3, với hy vọng các nhà sản xuất dầu mỏ Bắc Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu để đối phó với tình trạng giá dầu thô thấp trong nhiều năm, qua đó sẽ dẫn đến việc sản lượng giảm.
Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ cho hay, lượng dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng trong tuần trước (kết thúc ngày 6/3), trong khi dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất giảm.
“Yếu tố cung - cầu có thể giá dầu trong ngắn hạn đang ở mức rất thấp do Ả Rập Saudi và Nga đang rơi vào cuộc chiến giá cả có nguy cơ đẩy thị trường năng lượng toàn cầu vào tình trạng thừa cung nghiêm trọng trong khi nhu cầu dầu bị ảnh hưởng lớn từ sự bùng phát của dịch Covid-19” - chuyên gia phân tích thị trường Han Tan tại FXTM nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần