Theo dòng thể thao: Bao giờ hết cảnh “hội làng”?

Hải Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - SEA Games luôn được ví là “hội làng” bởi cách điều hành yếu kém, thiên vị của nước chủ nhà. Hầu như kỳ Đại hội nào cũng xảy ra điều tiếng.

Từ cơ cấu nội dung thi đấu, khó dễ về ăn ở tập luyện và gây bức xúc nhất chính là công tác điều hành của trọng tài.

SEA Games 2017 được kỳ vọng sẽ thoát cảnh “hội làng” với lời hứa của nước chủ nhà Malaysia. Nhưng rút cuộc, trước khi Đại hội diễn ra, một loạt môn thể thao thế mạnh của các nước vốn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic không được tổ chức hoặc cắt giảm số huy chương. Đấu tranh mãi cũng chẳng được bởi nước chủ nhà có thứ đặc quyền là “phủ quyết” ý kiến phản biện từ các nước.

Tâm lý chạy theo thành tích dường như đã ngấm vào cả nền thể thao Đông Nam Á. Nước chủ nhà nào cũng cố gắng bằng mọi cách để vét tối đa số HCV nhằm có thứ hạng cao trong bảng tổng sắp. Thế mới có chuyện, Đoàn thể thao Thái Lan đã tố cáo đội xe đạp Malaysia đi đường tắt về đích. Vận động viên Việt Nam phát khóc khi đối thủ nước chủ nhà chạy ở môn đi bộ để giành vàng. Rồi, lãnh đội môn Pencak silat Indonesia than phiền là các vận động viên Malaysia chưa bao giờ giành huy chương ở các kỳ trước bỗng chốc giành điểm cao đến mức phá kỷ lục thế giới!...

Giờ thì nước chủ nhà Malaysia đã chắc chắn có được vị trí nhất toàn đoàn với hơn 120 tấm HCV, gấp đôi 2 đoàn đứng phía sau là Thái Lan và Việt Nam. Ở các kỳ Đại hội trước, Malaysia thậm chí còn không chen chân được vào top 3 nhưng mọi sự đã thay đổi khi họ là chủ nhà.

SEA Games được tổ chức là nhằm thúc đẩy sự phát triển của thể thao Đông Nam Á. Thế nhưng, hình ảnh của sân chơi này luôn bị ảnh hưởng bởi những toan tính, tâm lý chạy theo thành tích của nhiều nước chủ nhà SEA Games. Vấn nạn này hy vọng không xảy ra ở SEA Games 31 vào năm 2021 khi Việt Nam là nước chủ nhà. Muốn vậy, ngay từ lúc này, Đoàn thể thao Việt Nam phải có định hướng xây dựng lực lượng, tổ chức đào tạo để có một đội ngũ vận động viên tài năng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần