Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Con kiến mà leo cành đa

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối cùng, sau rất nhiều áp lực từ dư luận, trong đó có một bộ phận những người làm bóng đá, Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi đã lựa chọn phương án “thoái lui chiến lược”.

Ông Mùi quyết định thôi không phân công trọng tài làm nhiệm vụ mùa giải này nhằm thỏa mãn những người đang chống lại mình. Nhưng, vấn đề đặt ra là sự thoái lui của ông Mùi có thể khiến công tác trọng tài tốt lên?
Đã hình thành một cuộc chiến xung quanh chiếc ghế Trưởng ban của ông Nguyễn Văn Mùi. Người muốn hạ bệ ông Nguyễn Văn Mùi là bầu Đức, đương kim Phó Chủ tịch VFF cùng những người ủng hộ. Rất nhiều đội bóng dù ngại tiếng “bênh vực cái xấu” và chống lại bầu Đức nhưng vì nỗi lo quyền lực bị thâu tóm đã lớn tiếng đứng lên phản đối. Họ phản đối bầu Đức không phải vì bênh vực, có lợi ích nhóm với ông Mùi mà bởi không muốn những giá trị, nền tảng của giải đấu bị ông chủ HAGL đứng lên trên. Cuộc đấu giữa bầu Đức và phần còn lại dự báo những mâu thuẫn giằng xé có thể khiến làng bóng đá không còn yên ả.
 Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi
Chiếc ghế của ông Mùi trở thành mặt trận để những ông bầu thể hiện quyền lực của mình. Nhưng, khi sự phân thắng bại chưa được quyết định thì VFF và thương hiệu của bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng. Khi bài toán khó nảy sinh, cần có lời giải thỏa đáng. Đương nhiên, ông Mùi và những người tạm thời ủng hộ mình không muốn trở thành bại tướng trước bầu Đức. Họ càng không muốn quyền lực sẽ thuộc về ông bầu vốn không đóng góp nhiều cho VFF nhưng lại muốn thể hiện dấu ấn cá nhân. Và về phần mình, bầu Đức không bao giờ chấp nhận “cuộc khởi nghĩa” của mình bị rơi vào im lặng. Ông muốn có được kết quả nào đó để chứng tỏ rằng mình vẫn còn có tiếng nói trong làng bóng đá.
Cuối cùng, lời giải cho bài toán khó đã được tìm thấy. Ông Mùi giao lại quyền bính cho cấp phó vốn nhận được sự ủng hộ của bầu Đức, nhưng vẫn giữ được cái ghế của mình. San sẻ quyền lực, bảo toàn vị thế có thể là phương án hiệu quả nhất đối với ông Mùi trong thời điểm hiện tại. Dù có thể rất mệt mỏi nhưng ông này không thể từ chức, hoặc bị buộc phải từ chức bởi điều đó đồng nghĩa với thất bại trước bầu Đức. Thỏa hiệp về quyền lực, giữ được ngôi cao xem là giải pháp tối ưu với ông Mùi lúc này.
Vấn đề đặt ra lúc này là giảm bớt quyền lực, thậm chí cắt quyền lực của ông Mùi liệu có giúp bóng đá Việt Nam tốt hơn? Nói cách khác, khi chiến thắng thuộc về bầu Đức và những người cùng phe thì công tác trọng tài liệu có được cải thiện? Đúng là ông Mùi với tư cách là người đứng đầu chịu trách nhiệm về sự non kém của hệ thống. Nhưng, nếu hiểu bản chất vấn đề, người ta sẽ thấy, đôi khi sự cấn cá trong đội ngũ trọng tài vượt qua cả tầm kiểm soát của những nhà điều hành.
Thay thế ông Mùi không phải là vấn đề lớn. Hay nói đúng hơn, đó không phải là bản chất vấn đề khi mà lực lượng trọng tài và bản thân những người làm bóng đá cần phải tạo ra giới hạn mà bất cứ ai cũng không được phép vượt qua. Muốn có được sự trong sạch tuyệt đối thì đội ngũ trọng tài có thể sống tốt với nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó, các đội bóng phải đồng lòng trong cuộc chiến chống tiêu cực. Nếu không có “đầu vào” tiêu cực thì sẽ chẳng có tiêu cực. Vì thế, thay vì những lời hứa và sự chỉ trích thường trực nhắm vào đội ngũ trọng tài, các đội bóng phải hành động một cách thực sự, chấp nhận mạo hiểm để nói không với việc tác động đến trọng tài làm có lợi nhất cho mình. Nếu không làm được điều này, những thay đổi về công tác trọng tài chỉ giống như việc “con kiến leo cành đa” mà thôi.