Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Năng nhặt… tiền lẻ

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đội tuyển U20 Việt Nam đã có mặt tại Đức để bước vào đợt tập huấn nhằm chuẩn bị cho VCK U20 thế giới.

Dù chi phí cho chuyến đi này lên đến hàng tỷ đồng nhưng VFF vẫn phải bấm bụng chi tiền, bởi không thể ra sân chơi lớn bằng những lời hô quyết tâm.
Ngay sau khi U20 Việt Nam giành vé đến VCK U20 thế giới, lãnh đạo VFF và HLV Hoàng Anh Tuấn đã có vài buổi họp với nhau. Họp bàn ở đây không phải là để xét công trạng, mà nhằm hoạch định kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện lớn. HLV Hoàng Anh Tuấn muốn nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ VFF. Ông muốn có những chuyến tập huấn dài hạn ở nước ngoài nhằm nâng cao trình độ cho các học trò. Đương nhiên, đó cũng là mong muốn của VFF, bởi họ hiểu cần phải đầu tư nếu muốn U20 Việt Nam không ở vị thế của kẻ lót đường.
Muốn đầu tư cho sự kiện trọng đại của bóng đá nước nhà. Nhưng cái khó của VFF chính là vấn đề muôn thuở - tài chính. Lâu nay, VFF không có khái niệm về sự thành công của bóng đá trẻ ở cấp châu lục chứ nói gì đến thế giới. Vậy nên, trong bản hợp đồng với các nhà tài trợ thì chỉ có U23, đội tuyển quốc gia nam và nữ là đối tượng hướng đến. Bản thân các nhà tài trợ cũng không muốn gắn bó với các đội tuyển trẻ. Thế nhưng, U20 Việt Nam bất ngờ giành vé đến VCK U20 thế giới. VFF mừng, nhà tài trợ cũng mừng, nhưng nguồn tiền đầu tư cho đội tuyển trẻ thì không thể vượt qua những cam kết trong bản hợp đồng.
Và thế là dù chẳng dư dả về tài chính nhưng VFF vẫn phải bấm bụng cho U20 Việt Nam sang tận châu Âu tập huấn. Sở dĩ VFF phải chọn Đức, Hà Lan thay vì Hàn Quốc, Nhật Bản - nơi có chi phí thấp hơn là vì ở đấy có những đối tượng mạnh tương đương với đối thủ mà U20 Việt Nam sẽ phải đối diện tại VCK U20 thế giới. Đá với những đội bóng châu Âu là cách tốt nhất để U20 Việt Nam tìm kiếm sự trưởng thành, hay chí ít là cách chống chịu với áp lực.
Tài chính cho bóng đá, nhất là bóng đá trẻ luôn khiến các nhà quản lý phải đau đầu. Đó là chưa kể đến việc, theo quy định, kinh phí cho các đội trẻ được lấy từ ngân sách của VFF thay vì Tổng cục Thể dục Thể thao. Vậy nên, để lo đủ tiền trang trải cho các đội tuyển trẻ hoạt động một cách đồng loạt và liên tục thì VFF đã phải chạy đôn, chạy đáo nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhiều đối tác.
Rất nhiều người tự hỏi, tại sao đội tuyển U23 lại chọn Khánh Hòa làm nơi đóng quân trong giai đoạn tập trung đầu tiên? Câu hỏi đó đã được trả lời tại buổi tiễn Đội tuyển U20 lên đường sang Đức tập huấn. Tại đó, VFF đã gửi lời tri ân đến một nhà tài trợ đã chi trả toàn phộ kinh phí của chuyến tập huấn của thầy trò ông Hoàng Anh Tuấn. Khoản kinh phí này lên đến 1 tỷ đồng và nó thực sự có ý nghĩa trong hoàn cảnh của VFF. Và cũng trong buổi tiễn U20, người ta còn thấy một loạt nhà tài trợ từ quần áo, dinh dưỡng đến valy di chuyển. Tính từng gói tài trợ thì không lớn nhưng nếu phải bỏ tiền ra trang trải cho những khoản chi này, VFF cũng mất cả tỷ đồng. Rồi, khoản chi cho vé máy bay, ăn ở di chuyển, thuê sân bãi ở Đức cũng được VFF “xin” từ một nhà tài trợ với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Năng nhặt chặt bị, cố gắng co kéo nhằm giảm những khoản phải chi, đó là những gì mà VFF đang phải làm nhằm đáp ứng nhu cầu về tài chính rất lớn từ các đội tuyển. Chẳng ai muốn phải đi kiếm tiền lẻ nhưng trong bối cảnh nền bóng đá chưa chuyên nghiệp, thứ hàng hiệu chưa được hình thành thì việc “tăng thu, giảm chi” cũng là điều cần thiết.