Nguyên nhân là do các nhà sản xuất thép của Mỹ nghi ngại thép Trung Quốc “đội lốt” thép Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Mặc dù vẫn chưa có quyết định chính thức nhưng việc này đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất thép chân chính ở Việt Nam.
Ông Lại Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch thị trường, Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, mặc dù các doanh nghiệp thép Việt Nam có xuất khẩu sang thị trường Mỹ với lượng hàng không lớn, nhưng nếu Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ hoặc chống bán phá giá với sản phẩm này thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thép sẽ gặp khó.
Các doanh nghiệp sẽ phải tập trung tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Và do nhu cầu thị trường trong nước đang thấp hơn so với công suất hiện có, có thể sẽ xuất hiện cạnh tranh về giá, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thương nhân tại Mỹ đã dừng đơn đặt hàng đối với sản phẩm thép cán nguội của Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp khó.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho hay, trong hội nhập thì việc tự vệ thương mại là biện pháp thường thấy.
Hiệp hội cũng có khuyến cáo tới các doanh nghiệp thành viên cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến công nghệ sản xuất…
Hiệp hội sẽ cùng các doanh nghiệp phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh theo đúng quy định quốc tế trước khởi xướng điều tra chống bán phá giá từ Mỹ đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép cán nguội, thép các bon chống ăn mòn và thép mạ hợp kim đã bị đề nghị điều tra và nhận quyết định điều tra chống bán phá giá từ Hoa Kỳ và Australia.
Các chuyên gia trong ngành thép cho rằng, không chỉ với vụ việc này mà ở cả các vụ việc khác, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa ra quy trình sản xuất kinh doanh để các đối tác, đặc biệt là Mỹ được biết.
Đồng thời, công bố các tiêu chuẩn với phía đối tác trong xuất xứ hàng hóa; tạo điều kiện cho đối tác kiểm tra các chứng từ, nhãn hiệu, giấy phép… từ đó để chứng minh chất lượng, xuất xứ sản phẩm Việt Nam không có gian lận thương mại, không có trợ cấp từ Chính phủ....
Phía Hoa Kỳ sẽ xem xét và đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không trong 45 ngày kể từ ngày nhận đơn và ban hành quyết định cuối cùng trong 300 ngày tới.
Mặc dù chưa có quyết định chính thức nhưng rõ ràng, cần phải có cơ chế loại bỏ ngay những mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại, “đội lốt” như đang bị nghi ngờ hiện nay.
Bởi nếu những sản phẩm “đội lốt” này được xuất sang các nước thì sẽ gây thiệt hại cho uy tín của sản phẩm thép trong nước và ảnh hưởng cả nước nhập khẩu hàng Việt Nam.