Tờ trình của Bộ Xây dựng xác định mục tiêu chung: Phấn đấu đến năm 2015, việc đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi đáp ứng khoảng 20% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu, đến năm 2020 đáp ứng cho khoảng 50% công nhân có nhu cầu. Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2015 là 50% công nhân tham gia các hoạt động văn hóa thể thao và định hướng đến năm 2020 sẽ có trên 70% công nhân được tham gia các hoạt động này.
Tờ trình cũng nêu rõ, danh mục các công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu cần đầu tư gồm: Trường học, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện đa khoa, sân luyện tập thể thao, nhà văn hóa, tòa nhà hỗn hợp, chợ hoặc trung tâm mua sắm...
Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp bố trí quỹ đất, cơ chế ưu đãi và nguồn lực để xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi tại các KCN
Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp bố trí quỹ đất, cơ chế ưu đãi và nguồn lực để xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi tại các KCN. Cụ thể, đối với các KCN đã hết quỹ đất thì địa phương rà soát điều chỉnh quỹ đất hiện có chưa sử dụng để tạo quỹ đất, đối với KCN đang hình thành thì Ban quản lý có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch tạo quỹ đất dành cho các công trình này.
Tờ trình cũng nêu rõ, nguồn vốn thực hiện một phần do Nhà nước trực tiếp đầu tư, vốn ngân sách địa phương và vốn xã hội hóa. Cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia với chính sách ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, ưu đãi về thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất, hỗ trợ tín dụng đầu tư. Ngoài ra còn có các chính sách hỗ trợ khác về thiết kế mẫu, thiết kế điển hình công trình xây dựng cũng như các tiến bộ kỹ thuật về thi công xây lắp nhằm đảm bảo khoa học trong công tác quản lý và giảm giá thành xây dựng công trình.
Trước mắt, Bộ Xây dựng đề xuất lựa chọn 14 địa phương có khu công nghiệp từ 18.000 lao động trở lên để triển khai thí điểm Đề án gồm: TP. Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ.