Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Tuyển sinh 2015, tuy trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh chỉ được sử dụng một giấy báo kết quả thi, nhưng mỗi giấy cho phép đăng ký xét tuyển tối đa vào bốn ngành hoặc nhóm ngành của một trường. Như vậy, thí sinh thi nhiều môn hơn sẽ có nhiều cơ hội đăng ký các ngành khác nhau của một trường”. Cụ thể, theo dự thảo Quy chế tuyển sinh 2015, mỗi thí sinh đã đăng kí sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng kí xét tuyển tối đa 4 đợt; mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng. Phiếu đăng kí xét tuyển, cho phép đăng kí tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Việc này giúp thí sinh được tuyển vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi của mình và các trường tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với điều kiện tuyển.
Bên cạnh đó, năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển. Ví dụ, trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay, xét tuyển theo 1 trong các tổ hợp 3 môn thi là Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh, Ngữ văn, Sinh học.Thí sinh đăng ký môn xét tuyển theo 1 trong các tổ hợp 3 môn thi để Trường xét tuyển. Ví dụ: Thí sinh thi theo khối A cũ là Toán, Lý, Hóa để xét tuyển vào ngành Kinh tế, nay thí sinh muốn xét tuyển thêm ngành Khoa học máy tính của trường (trường xét điểm 3 môn Toán, Vật lý, Sinh học), thí sinh chỉ cần đăng ký thi thêm môn Sinh là được xét tuyển 2 khối vào trường trong cùng 1 đợt. Còn trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay xét tuyển theo tổ hợp 03 môn xét tuyển được chọn trên cơ sở các khối thi truyền thống của Trường trước đây (A, A1, D1, D3) và bổ sung thêm các tổ hợp môn thi khác (Toán-Hóa-Anh, Toán-Hóa-Sinh) nhằm tạo điều kiện cho thí sinh một sự lựa chọn rộng rãi hơn sau khi kết quả thi tốt nghiệp THPT 2015 được công bố. Môn Toán có mặt trong tất cả các tổ hợp môn xét tuyển và là môn thi tự luận (180 phút). Kết quả thi môn Toán sẽ là thước đo tin cậy về năng lực tư duy logic của thí sinh, vốn rất cần thiết khi theo học các ngành kỹ thuật tại Trường. Do đó, Toán được chọn là môn thi chính (hệ số 2) khi xét tuyển vào một số ngành đào tạo. Các nhóm ngành xét tuyển được điều chỉnh cho phù hợp với phương thức tuyển sinh mới. Mỗi nhóm (gồm một hoặc vài ngành đào tạo) có chung một mã xét tuyển do Bộ GD&ĐT ấn định, có cùng tổ hợp các môn xét tuyển và cùng điểm chuẩn trúng tuyển. Như vậy, với trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển, thí sinh đăng ký thi nhiều môn hơn sẽ có cơ hội xét tuyển nhiều hơn. Thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển sang trường khác Thí sinh không chỉ thi nhiều môn được xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau của một trường mà còn được xét tuyển sang trường khác. Cụ thể, ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày; điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước; thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31 tháng 10 hàng năm đối với trường đại học và 15 tháng 11 hàng năm đối với trường cao đẳng. Các trường công bố công khai các thông tin liên quan đến từng đợt xét tuyển (Thông tin này bao gồm chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi ngành, nhóm ngành; thời gian ĐKXT và ngưỡng điểm ĐKXT), danh sách thí sinh trúng tuyển và đăng kí nhập học của mỗi đợt xét tuyển; cập nhật 3 ngày một lần thông tin ĐKXT của thí sinh trên trang thông tin điện tử của trường trên trang thông tin điện tử của trường. Ở mỗi đợt xét tuyển, thí sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng tương ứng với đợt xét tuyển được đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi cấp để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường. Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, được quyền thay đổi ngành học đã đăngkí hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác (Thí sinh đã trúng tuyển vào trường ở một đợt xét tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo).