Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trong ngày cuối hạn các trường gửi báo cáo định hướng tuyển sinh năm 2015 về Bộ GD&ĐT (15/10), ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, khẳng định, với việc xét tuyển theo môn thi truyền thống, kết hợp mở rộng tổ hợp môn, thí sinh (TS) có nhiều cơ hội xét tuyển.
Thưa ông, đến thời điểm này, bộ đã nhận được bao nhiêu đề án tự chủ tuyển sinh?
- Trước hết, tôi muốn nói có 3 mốc thời gian Bộ quy định đối với các trường. Trước 30/9, các trường tự chủ tuyển sinh riêng nộp đề án về Bộ; trước 15/10 những trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia báo cáo Bộ về việc sử dụng như thế nào, dùng tổ hợp môn nào. Ngày 1/1/2015 toàn bộ thông tin tuyển sinh được công bố công khai để học sinh biết. Đến 30/9, chúng tôi nhận được 90 đề án tự chủ tuyển sinh (40 đề án của ĐH và 50 đề án của CĐ), đó là chưa tính 62 đề án tự chủ tuyển sinh năm ngoái họ chưa làm lại. Đến trưa 15/10, có khoảng 70 trường ĐH, CĐ gửi báo cáo thông tin tuyển sinh có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia. Tuy hôm qua là hạn cuối, nhưng các trường được phép chuyển phát nhanh nên thời gian văn bản được gửi đến Bộ sẽ chậm hơn so với quy định.
Ông có nhận xét gì về việc lựa chọn khối và tổ hợp môn thi của các trường đã gửi báo cáo về Bộ?
-Đa phần các trường top trên giữ nguyên khối thi truyền thống, 1 số trường có thêm một vài tổ hợp. Trong báo cáo của các trường gửi lên, tôi đọc vài chục bản nhưng chưa thấy đặt vấn đề sơ tuyển đầu vào.
Tỷ lệ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, tỷ lệ sử dụng kết quả học tập ở bậc THPT và sử dụng cả hai để xét tuyển sinh ĐH, CĐ của các trường như thế nào, thưa ông?
- Về cơ bản, các trường ĐH, CĐ sử dụng theo 2 phương thức. Các trường ngoài công lập sử dụng nhiều hơn, nhưng khác nhau mức độ. Chẳng hạn, có trường lấy 70% chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia - 30% xét học bạ, có trường theo tỷ lệ 50 – 50, có trường lại 30 – 70.
Có những ý kiến cho rằng, nhiều tổ hợp sẽ tạo thêm cơ hội cho TS, nhưng các em sẽ bị rối?
- Điều đó chính xác, mở rộng nguồn tuyển có hai mặt. Thứ nhất, giúp các trường chọn được môn tâm huyết cho từng ngành. Thứ hai, đối với TS sẽ có nhiều cơ hội xét tuyển hơn. Việc chọn tổ hợp môn nên ở mức độ vừa phải để đạt yêu cầu về chất lượng. Tôi thấy đa phần các trường chọn 3 - 4 tổ hợp.
Thưa ông, đề án của Đại học Quốc gia Hà Nội có được Bộ GD&ĐT chấp nhận làm thí điểm với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH?
- Về nguyên tắc ĐH Quốc gia Hà Nội phải gửi đề án lên Bộ. Bây giờ họ chưa gửi đề án nên mình chưa thể góp ý cho họ được. Theo tôi, cái gì thí điểm ban đầu cũng có khó khăn nhất định. Khó nhất là ra đề thì ĐH Quốc gia Hà Nội có đội ngũ rất rốt.
Xin cảm ơn ông!