Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT có tổ công tác bao gồm các chuyên gia đang rà soát rất kỹ lưỡng phương án thi năm 2016, lắng nghe ý kiến đóng góp từ các địa phương và các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) rồi mới đi đến thống nhất. Tại thời điểm này, hướng và chủ trương của Bộ GD&ĐT là phương án năm 2017 tiếp tục thực hiện theo phương án 2016 có điều chỉnh để đạt hiệu quả hơn.
Buổi họp báo Khai giảng năm học mới 2016 - 2017 |
Phương án thi năm 2016 được đánh giá là thành công, được xã hội đồng tình. Tuy nhiên, phương án này cần có những điểm cải thiện tốt lên. Ví dụ vấn đề tổ chức thi, năm ngoái có 2 cụm thi (các địa phương và trường ĐH), thì năm 2017 làm gọn nhẹ chỉ có 1 cụm. “Năm ngoái chúng ta tổ chức thi nghiêm túc, đề thi được đánh giá tốt nhưng vẫn có ý kiến cho rằng có tình trạng học tủ, học lệch mà yêu cầu của giáo dục phổ thông là toàn diện. Vì thế, năm 2017 mở rộng áp dụng công nghệ thông tin, sẽ có những bài thi tổng hợp theo phương thức trắc nghiệm khách quan”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, năm 2016, đề thi tự luận, trong quá trình thực hiện, đâu đó có dư luận thí sinh nhìn bài nhau; chấm thi theo barem nhưng vẫn còn có nơi chấm lỏng, chấm chặt. Vì thế từ kinh nghiệm 3 năm nay thực hiện tại ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2017 chúng ta thực hiện phương án bài thi trắc nghiệm trên giấy và chấm trên máy, khắc phục được vấn đề không ngiêm túc trong chấm thi, học lệch. "Kỳ thi THPT quốc gia vẫn gồm có 2 mục đích, để giúp cho các trường sử dụng kết quả để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Luật Giáo dục ĐH quy định quyền tự chủ của các trường, nhưng nhiều cơ sở giáo dục chưa có kinh nghiệm và khả năng tổ chức nên đây là cách hỗ trợ các trường. Hơn nữa, tự chủ nhưng không có nghĩa là các trường muốn làm gì thì làm, mà Bộ vẫn đứng ra để đảm bảo chất lượng" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, kỳ thi 2 mục đích đảm bảo tính khách quan, có độ phân hóa. Về việc tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, học sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng cùng một lúc. Đối với các trường, chỉ tiêu tuyển sinh không chỉ dựa trên năng lực đào tạo thực tế mà còn phụ thuộc nhiều vào yêu cầu ngành nghề của thị trường lao động để đảm bảo chất lượng. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng để kiểm tra chỉ tiêu. Đồng thời tăng cường hỗ trợ thông tin trong dự báo các ngành nghề của thị trường lao động.