Trường có thêm môn xét tuyển
Xét một cách khách quan, mỗi phương án thi được Bộ GD&ĐT đều có mặt ưu điểm. Với phương án 1, kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn giữ nguyên như năm 2017, đó là 3 bài thi bắt buộc: Toán, Văn, Tiếng Anh và hai bài thi tự chọn (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội). Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội chấm điểm thành phần từng môn sẽ giúp cho việc xét tuyển theo khối truyền thống và tổ hợp của các trường ĐH rất thuận lợi. Với phương án 2, bài thi tổ hợp 3 môn, tính một điểm thống nhất toàn bài thi. Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho rằng: “Nếu phương án 2 được lựa chọn sẽ tác động rất tốt đến người học và không bị học lệch. Chẳng hạn, nếu các em chọn khối Khoa học tự nhiên sẽ hoàn toàn học đều môn Lý, Hoá, Sinh”.
Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân Bùi Đức Triệu cũng ủng hộ phương án 2 và cho rằng như vậy sẽ thuận lợi cho các trường vì đã có hai tổ hợp môn. Ông Triệu phân tích, trường nào trước đây lấy tổ hợp các môn tự nhiên thì năm 2018 chọn điểm bài thi Khoa học tự nhiên. Ví dụ, trường y xét tuyển khối B (Toán, Hoá, Sinh) bây giờ có môn Toán và Khoa học tự nhiên, lại thêm môn Lý thì càng tốt. Trường lấy khối C lấy môn Văn và Khoa học xã hội, được thêm môn Giáo dục công dân sẽ thuận lợi hơn. Ông Triệu cho biết thêm, học sinh đã xác định phải học để thi một trong 2 tổ hợp, môn dùng để xét tuyển ĐH sẽ được ôn sâu hơn. Bây giờ học thêm một môn mà trước kia các em ít chú trọng vẫn còn kịp vì năm học mới vừa bắt đầu.
Đánh giá toàn diện
Có nhiều năm nghiên cứu về tuyển sinh ĐH, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Lê Viết Khuyến khẳng định, bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội tính một đầu điểm mới là môn thi tổ hợp. Còn như kỳ thi THPT quốc gia năm nay, chấm 3 điểm cho 3 môn thi trong một bài thi đó là tổng hợp. Không chỉ thế, ví dụ, bài thi Khoa học tự nhiên, hết giờ làm môn Lý, giám thị thu bài, giấy nháp, sau đó chuyển sang môn Hoá, Sinh làm thí sinh rất mệt. “Cách thi như năm 2017, chi li ra là theo khối A, B, C làm cho học sinh chạy theo điểm số cao nhất đối với môn nhằm tới, chứ không phải có kiến thức đồng đều về Lý, Hoá, Sinh hay Sử, Địa, Giáo dục công dân” - ông Khuyến phân tích.
Quan điểm của Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam là đề thi phải đánh giá toàn diện, không đồng tình với việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh chọn một trong hai bài thi là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Đây là hai môn tổ hợp, có giá trị tương đương như các môn đơn (Toán, Văn, Ngoại ngữ) cho nên cần phải thi tất cả 5 môn. Cũng có những ý kiến khẳng định phương án 2 nếu thực hiện được sẽ rất tốt nhưng lại chọn phương án 1. “Kỳ thi THPT 2017 là năm đầu tiên thực hiện làm rất tốt, mình đã có chút kinh nghiệm thì nên tận dụng cho năm sau. Nếu chúng ta cứ thay đổi liên tục, học sinh phổ thông sẽ không có thời gian để làm quen và xã hội sẽ phản ứng. Phương án 1, nếu được thực hiện tiếp, chỉ cần điều chỉnh một chút về kỹ thuật trong xét tuyển ĐH như đưa ra tiêu chí phụ là ổn” - Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp đề nghị.
Rõ ràng, trong khi vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục lắng nghe góp ý để đưa ra phương án hợp lý nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2018.