Đáng ghi nhận nhất là áp lực thi cử không còn đè lên vai thí sinh (TS) và phụ huynh. Dẫu vậy, kỳ thi này vẫn có những điểm cần rút kinh nghiệm.
Thi kiểu mới, học toàn diện
Tại buổi họp báo thông báo chính thức công tác coi thi kỳ thi THPT quốc gia 2017 ngày 24/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga - Trưởng Ban chỉ đạo thi quốc gia khẳng định: “Kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra thành công tốt đẹp”. Một kỳ thi mục đích xét tốt nghiệp THPT và lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH lần đầu tiên được Bộ GD&ĐT giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức. Để hỗ trợ cho các địa phương, cán bộ, giảng viên đại học (ĐH) được điều động để phối hợp tham gia thanh tra và coi thi. Với việc bố trí mỗi phòng thi có một giảng viên ĐH và giáo viên phổ thông là cách để tăng cường kỷ luật phòng thi. Cùng với đó, việc thi theo bài và trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn thi tự luận), mỗi TS có một mã đề thi riêng cũng ngăn chặn được tình trạng quay cóp cũng như gian lận, tiêu cực trong phòng thi. Thể hiện rõ nhất ở việc đợt thi này chỉ có 72 TS bị đình chỉ thi, trong khi năm 2016 là 328 trường hợp.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được tổ chức ở địa phương với một điểm thi, diễn ra trong 2 ngày rưỡi thay vì 4 ngày như trước đã tạo điều kiện cho TS không phải đi xa, thi ngay ở trường mình học, giảm được áp lực, căng thẳng để có tâm lý tự tin làm bài thi đạt kết quả tốt nhất. Đặc biệt, trong suốt 3 ngày diễn ra kỳ thi (22, 23, 24/6) không gây bất cứ áp lực nào đối với cơ sở hạ tầng và giao thông đi lại ở các TP lớn. Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, thậm chí nhiều người không biết là đang có gần 1 triệu TS thi THPT quốc gia.
Với những đổi mới phương thức thi và cách thức tổ chức kỳ thi năm nay đã góp phần nâng tỷ lệ TS dự thi lên tới trên 99%. TS đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm 74%, cao hơn gần 5% so với năm trước. Số TS dự thi bài thi Khoa học xã hội (KHXH) cũng tăng cao với trên 50%, đặc biệt có tới trên 69% em đăng ký thi môn Lịch sử là điều rất đáng mừng so với năm 2016 trở về trước chỉ có chưa đến 15%. “Phần lớn TS chọn ngành tự nhiên nhưng vẫn thi bài KHXH cho thấy việc học toàn diện hơn. Đổi mới phương thức và hình thức thi cũng giúp các em tự học nhiều hơn. Tình trạng học thêm chấm dứt hoàn toàn, giảm được nhức nhối trong xã hội đã tồn tại nhiều năm” - ông Ga nhận định.
Đề thi chưa chuẩn hóa?
Độ khó của các môn thi trong các đề thi gốc không tương đương nhau là vấn đề được đề cập nhiều nhất tại cuộc họp báo của Bộ GD&ĐT. Hay việc chia câu hỏi từ dễ đến khó trong mỗi đề thi không đồng đều, vì thế khi đảo câu hỏi dẫn đến tình trạng có mã đề câu dễ ở gần phía cuối đề, trong khi Bộ GD&ĐT công bố trước đó là có 60% câu hỏi cơ bản, thiết kế câu hỏi trong đề từ dễ đến khó. Việc này khiến TS, nhất là những em có học lực trung bình mất thời gian tìm câu dễ trước cũng như làm giảm tinh thần “chiến đấu” của các em. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Sái Công Hồng giải thích: 2017 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT có chủ trương xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa. Thực hiện việc này, đầu tiên tất cả những câu hỏi được thử nghiệm với học sinh (HS) lớp 12 để biết có độ dễ, khó, từ đó chuẩn hóa câu hỏi. Tiếp đến, tháng 3, 4 và 5/2017, Bộ chọn mẫu trên 50 trường có tính đại diện với khoảng hơn 20.000 HS lớp 12 để tiếp tục chuẩn hóa và cân bằng độ khó, dễ giữa các đề thi.
Ông Hồng cũng cho biết, khi các mã đề thi hình thành, việc đảo các câu hỏi được thực hiện theo khối. Nghĩa là một đề thi được phân làm 4 cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao): Ví dụ 1 đề thi có 10 câu hỏi ở mức độ nhận biết, việc đảo thành các mã đề khác nhau chỉ đặt trong 10 câu đó. Như vậy, chúng ta có một cụm câu hỏi tương đương nhau về cấp độ, chứ không có chuyện đảo lung tung từ câu 1 xuống 40. Thường những câu hỏi ở cấp độ 4 vận dụng cao nằm ở cuối đề thi. Theo ông Hồng, việc so sánh câu hỏi này với câu hỏi kia ở 2 mã đề là rất khó và e rằng hơi khập khễnh. “Chúng ta đã nói độ khó của đề tương đương nhau, thì phải so sánh cả đề thi với nhau. Có lẽ, chỉ khi phân tích điểm trung bình của các mã đề thi, chúng ta mới chứng minh được sự khó, dễ thế nào. Năm đầu, việc làm có thể chưa tròn trịa, năm tới theo quy trình ta mài nó trơn nhẵn hơn. Tất cả đều hướng tới mục đích công bằng, khách quan và nhẹ nhàng cho TS" - ông Hồng khẳng định.
Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về việc thi 3 môn liên tiếp trong một bài thi Khoa học tự nhiên, KHXH khiến TS mệt mỏi, căng thẳng; thời gian xây dựng đề thi ngắn nhưng số lượng câu hỏi nhiều dẫn đến chất lượng không đảm bảo cũng như chuẩn hóa; đáp án đưa ra để TS lựa chọn mang tính áp đặt; một số mã đề thi có đáp án nghiêng về a, số khác lại chuyên về b là trao sự may rủi cho TS; 7 mã đề thi Vật lý phải đính chính ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng làm bài... Đây có thể xem là lời gợi ý để các nhà quản lý rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau.
Rút kinh nghiệm kỳ thi năm nay, những năm tiếp theo chúng ta vẫn căn bản thi tốt nghiệp THPT theo hình thức và phương pháp như trên để HS học ổn định. Nhưng sẽ thay đổi một số vấn đề kỹ thuật, ví dụ như sắp xếp câu hỏi, độ dài, độ khó để kết quả kỳ thi tốt hơn, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi |