Quyết định này của Bộ GD&ĐT đã nhận được đồng thuận của cả giáo viên, HS, phụ huynh lẫn lãnh đạo nhà trường.
Có lợi cho học sinh
Trao đổi với HS của một số trường THPT ở Hà Nội như: THPT Lê Quý Đôn, THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy), THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân)..., hầu hết tỏ ra phấn khởi trước chủ trương giữ ổn định phương án thi của Bộ GD&ĐT. Bạn Lê Tuấn Anh - HS khối 12 trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng, quyết định này thuận lợi cho việc dạy và học của HS. "Chúng em không còn thắc thỏm lo lắng như cách đây khoảng một tháng, mà có thể tập trung học và ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tới” - Tuấn Anh chia sẻ.
Đây là tâm lý chung của hầu hết HS khối 12 năm nay. Tuy nhiên, không chỉ HS, mà lãnh đạo các nhà trường cũng cho rằng, giữ nguyên phương án thi sẽ giúp giảm áp lực cho HS và bớt tốn kém. Theo Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp, việc công bố sớm phương án tổ chức thi từ nay tới năm 2020 không chỉ giúp HS lớp 12 yên tâm ôn tập, mà còn giúp giáo viên, HS lớp 10, lớp 11 định hướng tốt trong dạy, học, ôn luyện.
Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, về cơ bản, việc đăng ký thi, tổ chức bài thi và các môn thi sẽ được giữ ổn định, nghĩa là ngoài các bài thi độc lập vẫn có 2 bài thi tổ hợp là Khoa học xã hội (gồm 3 môn thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Để tạo thuận lợi cho công tác xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành của các trường ĐH, CĐ, bài thi tổ hợp có điểm chung của toàn bài và điểm của từng môn thành phần, được chấm theo thang điểm 10. “Phương án này sẽ được giữ ổn định ít nhất đến năm 2020. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi sẽ được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính cũng đang được Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét để có thể áp dụng trong vài năm tới” – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa cho biết
Còn băn khoăn
Việc Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2018, đặc biệt, sẽ có thêm kiến thức lớp 11, khiến giáo viên, HS băn khoăn cho rằng, Bộ nên sớm có hướng dẫn để các nhà trường định hướng dạy và học.
Theo cô Trần Thị Mỹ Dung - trường THPT Phan Đình Phùng, cho phép HS chọn cả 2 bài thi tổ hợp làm tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ, tuy nhiên, đây cũng là thách thức, bởi HS phải ôn luyện 9 môn (6 môn của 2 bài thi tổ hợp và 3 môn thi độc lập). Mai Quỳnh Phương - HS lớp 12A4, trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa) thì cho rằng, nếu Bộ có đề minh họa sẽ giúp HS định hướng học và ôn tập tốt hơn. Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú Hà Xuân Nhâm cũng có quan điểm, việc Bộ không công bố đề thi minh họa, phạm vi kiến thức rộng hơn so với năm trước, bắt buộc giáo viên, HS phải dạy – học bám chuẩn kiến thức của chương trình.
Cũng liên quan đến đề thi, hầu hết giáo viên và các chuyên gia giáo dục khẳng định, Bộ GD&ĐT cần chú trọng đến các điều kiện xây dựng ngân hàng đề thi; chuẩn hóa câu hỏi thi theo quy trình khoa học. Đề thi cần có tính phân hóa cao hơn để đánh giá chính xác năng lực của HS. Đồng thời, khâu tổ chức thi phải chặt chẽ, đồng đều, tránh hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến kết quả cũng như thiếu công bằng giữa các thí sinh.