Thi tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến: Nhiều sáng kiến có thể ứng dụng ngay trong thực tế

Hồng Thái thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 8/11, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) gắn với tổng kết cuộc thi “Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)”. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương - Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, kết quả quan trọng, tích cực nhất mà cuộc thi mang lại không chỉ dừng lại ở con số bao nhiêu bài tham gia dự thi, mà qua đó, cuộc thi đã tạo ra một cuộc vận động lớn để đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, thanh niên và Nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội tham gia, hiểu thế nào là DVC, DVCTT, các mức độ DVCTT.

 Học sinh trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân) hưởng ứng tham gia cuộc thi “Tìm hiểu DVCTT” hôm 15/8.
Sau 7 tháng triển khai cuộc thi “Tìm hiểu DVCTT”, Ban Tổ chức đã nhận được 867.418 bài tham gia dự thi - số lượng lượt người tham gia lớn nhất từ trước đến nay trong một cuộc thi trực tuyến trên địa bàn TP Hà Nội. Xin bà chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai cuộc thi này?
- Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh và Nhân dân, thực sự tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, một cuộc vận động lớn trong phong trào tìm hiểu kiến thức về DVCTT, mở ra một hướng mới trong việc ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để tham dự cuộc thi đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, thanh niên và Nhân dân trên địa bàn TP nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về lợi ích, hiệu quả của DVCTT. Qua đó, góp phần nâng cao số lượng người tham gia các dịch vụ của DVCTT trên địa bàn TP, góp phần hình thành ý thức thói quen sử dụng DVCTT, xây dựng công dân điện tử để xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh trong tương lai.

 Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương

Tuy nhiên, cuộc thi cũng gặp một số khó khăn. Do số lượng người tham gia dự thi đông, là lần đầu tiên tổ chức và xây dựng hệ thống phần mềm thi trực tuyến nên về kỹ thuật hệ thống phần mềm chưa đạt mức tối ưu. Có một số thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 còn xảy ra tình trạng nghẽn mạng, gây khó khăn cho người tham gia dự thi. Từ ngày 4/9, sau khi Sở Thông tin & Truyền thông tăng cường thêm 2 máy chủ và thiết lập 3 cổng vào thi (tăng 2 cổng so với trước), đã không còn xảy ra hiện tượng quá tải. Theo Thể lệ cuộc thi, thời gian thi kết thúc vào ngày 16/9. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi các thí sinh, Sở Tư pháp tham mưu cho Ban Tổ chức cuộc thi ban hành văn bản kéo dài thời gian thi thêm 10 ngày, đến 26/9.
Có ý kiến băn khoăn, việc TP khuyến khích sự tham gia của các học sinh cấp 2 (từ 12 tuổi trở lên) liệu có phù hợp, thưa bà?
- Khi đưa đối tượng học sinh THCS (từ 12 tuổi trở lên), Ban Tổ chức cuộc thi đã cân nhắc kỹ. Thực tế, học sinh THCS rất say mê khám phá, ứng dụng CNTT. Các em cũng đã được tiếp cận với CNTT qua các bài giảng ứng dụng CNTT, nhiều môn học đã được tích hợp qua phần mềm. Nhiều trường đã giao bài tập về nhà qua mạng cho học sinh và tương tác giữa giáo viên - học sinh.
Bên cạnh đó, cuộc thi trực tuyến trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và kỹ năng cho các em trong cuộc sống sau này. Các học sinh có thể biết đến các DVCTT, hiểu quy trình DVCTT; khai thác, sử dụng DVCTT dù đạt ở mức độ nào, cũng là khởi đầu để các em trở thành công dân của TP thông minh trong tương lai.
Ngoài ra, việc đưa các học sinh từ 12 tuổi tham gia dự thi cũng để thông qua các em, tuyên truyền đến phụ huynh và các thành viên trong gia đình hiểu biết, sử dụng về DVCTT của TP. Thực tế, với ưu thế về khả năng tiếp cận, sử dụng thiết bị công nghệ, các em được kỳ vọng sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tới gia đình, bạn bè và trở thành những công dân điện tử tương lai, phù hợp với mục tiêu xây dựng nền hành chính điện tử.
Qua công tác chấm thi, bà đánh giá, nhận xét thế nào về các bài tham gia cuộc thi?
- Qua tổ chức chấm thi, Ban Tổ chức nhận thấy, số lượng bài dự thi có điểm phần thi tự luận đạt điểm cao không nhiều (chiếm khoảng 10% trong số những bài dự thi được lựa chọn để chấm giải). Tuy nhiên, các thí sinh đưa ra được nhiều giải pháp, sáng kiến sáng tạo đột phá có thể ứng dụng ngay trong thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 đang thực hiện tại TP Hà Nội.
Đối với phần thi trắc nghiệm, có 119.161 bài dự thi (chiếm tỷ lệ 13,74 %) đạt điểm tuyệt đối (40 điểm); Bài dự thi có điểm thi trắc nghiệm đạt số điểm từ 30 điểm đến dưới 40 điểm là 257.785 bài (chiếm tỷ lệ 29,72 %); Bài dự thi có điểm thi trắc nghiệm đạt số điểm dưới 30 điểm là 490.472 bài (chiếm tỷ lệ 56,54%).
 
Những giải pháp, sáng kiến thí sinh đưa ra có thể ứng dụng ngay trong thực tế thế nào, thưa bà?
- Trong phần thi tự luận, các thí sinh đã đưa ra được nhiều giải pháp, sáng kiến sáng tạo, như việc cải tiến trang chủ DVCTT tăng tính lôi cuốn, thu hút, thân thiện, dễ thao tác; Có mục “Hỏi - Đáp trực tuyến” để người sử dụng tương tác kịp thời; ứng dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính; Có biện pháp khuyến khích người dân thực hiện DVCTT (hướng tới những nhu cầu thiết yếu của người dân, từ hình ảnh trực quan đẹp mắt đến quyền lợi về kinh tế); Đưa nội dung dạy việc thực hiện sử dụng DVCTT vào trong phần nội dung học của học sinh từ 12 tuổi trở lên; Tuyên truyền, quảng bá lợi ích từ DVCTT trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube. Cùng đó, thí sinh đề xuất xây dựng DVCTT thành một ứng dụng, vừa tiện lợi và dễ sử dụng; Gộp 2 mục Đăng ký, Bộ Thủ tục thành 1 mục để giúp người sử dụng dễ nghiên cứu, sử dụng, bởi thiết kế như hiện tại thì 2 mục này có nhiều thông tin trùng lặp nhưng thiếu thông tin cần thiết dễ hiểu nhầm, khó khăn cho nhiều người sử dụng chưa thành thạo DVCTT...
Ngoài ra, nhiều thí sinh đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT; tăng cường sự đảm bảo an toàn và bí mật thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ hành chính công điện tử; giải pháp về giảm thời gian giải quyết khi thực hiện thủ tục DVCTT...
Xin trân trọng cảm ơn bà!

Căn cứ kết quả chấm thi, Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu DVCTT” quyết định trao 65 giải cá nhân; 20 giải tập thể. Trong đó, 3 giải Nhất giải tập thể được trao cho Sở GD&ĐT, huyện Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm. Giải cá nhân chia ra 2 nhóm đối tượng dự thi: Giải cho người dự thi từ đủ 18 tuổi trở lên và giải cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Nhiều quận, huyện tham gia có chất lượng bài dự thi tốt, nhiều bài dự thi đạt giải cao, tiêu biểu như Chương Mỹ, Ba Đình, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thạch Thất, Thanh Trì, Phúc Thọ...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần