Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi trắc nghiệm lịch sử: Lo học vẹt

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Môn Lịch sử đang bị đánh giá chưa đúng với vị thế, vai trò của nó. Giờ, Bộ GD&ĐT quyết định thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 trắc nghiệm môn Lịch sử khiến nhiều chuyên gia lo mục tiêu dạy không đảm bảo, phá vỡ cách học theo hệ thống.

Tiến 1, lùi 2
Thi theo hình thức trắc nghiệm có ưu điểm gọn nhẹ, công bằng với tất cả thí sinh vì chấm trên máy nên không ai can thiệp được vào điểm thi. Nhưng cái dở của thi trắc nghiệm Lịch sử là chỉ đo được trình độ thấp, chủ yếu là nhớ và một phần hiểu. Vì thế, với hình thức thi này, GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chắc rằng sẽ trở về các câu hỏi kiểm tra kiến thức, sự kiện, nhân vật, niên đại... “Nếu quay trở về hỏi kiến thức thì đó là sự thụt lùi, sai lầm cực kỳ đáng tiếc. Đó là quay trở lại lối giáo dục môn Sử nặng về kiến thức và lấy đó làm thước đo làm cho quyển sách giáo khoa dày thêm và việc học của các em mất tính sáng tạo. Đối với môn Sử, kiến thức có vai trò của nó, nhưng căn bản là tư duy thì thi trắc nghiệm rất khó đánh giá, bình luận” - GS Phan Huy Lê phân tích.

Học sinh khối 12 trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh trong giờ học Lịch sử. Ảnh: Phạm Hùng

Đành rằng, khi Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi THPT quốc gia 2017 theo hình thức trắc nghiệm (trừ bài thi Ngữ văn tự luận) thì đương nhiên chúng ta phải thực hiện chủ trương này. Theo GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội), các câu hỏi trắc nghiệm buộc học sinh phải nhớ chính xác về thời gian, địa điểm, nhân vật và nội dung của sự kiện lịch sử. Điều này rất cần thiết vì  sử học không cho phép sai lệch hoặc lẫn lộn giữa các yếu tố với nhau. Nhưng sẽ là không đủ, thậm chí không đạt được mục tiêu chính của môn học nếu chỉ thi trắc nghiệm. Thi thế nào sẽ dạy học như thế. Và bây giờ các trường THPT đang chuyển động theo hướng chuẩn bị cho học sinh thi trắc nghiệm. Các học sinh học thật chăm có thể sẽ trở thành những bộ nhớ tốt. Nhưng cũng nhiều khả năng các em thành những con vẹt, mà không hiểu, không tư duy về nội dung và ý nghĩa của sự kiện, mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại.
Phá vỡ cách học hệ thống
Khi Bộ GD&ĐT quyết định môn Lịch sử thi trắc nghiệm hệ lụy tác động đến 3 đối tượng. Học trò hoang mang vì phải học hết các kiến thức, phụ huynh lo lắng, giáo viên chán nản vì không biết phải dạy học như thế nào. Vừa rồi, Bộ GD&ĐT công  bố bài thi minh họa, nhiều giáo viên dạy Lịch sử ở trường THPT nhận xét 40 câu đề Lịch sử được ra ở mức độ cơ bản, nhẹ nhàng về mặt kiến thức. Cách ra đề thi đạt được 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, mức độ phân loại để xét tuyển vào ĐH còn đơn giản quá.
Nhận định về đề thi minh họa Lịch sử, thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Đề không khó, thậm chí dễ. Trong 40 câu hỏi chỉ có 5 câu tương đối khó đòi hỏi học sinh phải có tư duy cao, 35 câu chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản và thuộc bài có thể làm được 5 điểm.  5 câu hỏi ở mức độ tương đối khó chưa thể phản ánh được đầy đủ năng lực tư duy của học trò. “Muốn đánh giá chính xác nhất thì Bộ GD&ĐT nên để giáo viên và học trò làm thử trước xem được bao nhiêu phần trăm theo khung thời gian quy định. Sau đó Bộ mới công bố đáp án, như thế sẽ thích hợp hơn” – ông Hiếu kiến nghị.
TS Tưởng Phi Ngọ - Phó trưởng Khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng cách ra đề kiểu này không đo được các trình độ bậc cao (phân tích, vận dụng, tổng hợp, đánh giá) và kỹ năng viết của học sinh. Trong khi đó, mục tiêu dạy môn Lịch sử lại rất cần học sinh phải đạt được những trình độ này. Cách ra đề trắc nghiệm, kiến thức lịch sử không theo hệ thống thời gian, không gian và các chủ đề mà sẽ bị xé ra, tráo lung tung. Như vậy nó sẽ trở thành đống kiến thức vụn vặt. Từ bây giờ, học sinh chỉ quan tâm đến hướng học theo kiểu trả lời trắc nghiệm. Và, thế là phá vỡ cách học theo hệ thống. Theo TS Ngọ, thi trắc nghiệm không đảm bảo mục tiêu đo được các trình độ bậc cao của môn Lịch sử. Đổi mới không phải là vứt bỏ phương pháp dạy học truyền thống, nếu nó vẫn rất tốt thì cần phải giữ gìn. Ít nhất là đối với môn Lịch sử.