Thi trên máy tính sẽ triệt tiêu gian lận

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 vừa qua có nhiều kẽ hở tạo cho những người có ý đồ xấu nâng điểm thi.

Góp ý cho việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, GS.TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Thương mại đề nghị thi trên máy tính và tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích trước hết là xét tốt nghiệp, sau nữa các trường ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh hay không là việc của họ. Bởi Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. GS Đinh Văn Sơn cho biết, 3 năm trở lại đây, ĐH Thương mại xét tuyển trên cơ sở kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, bởi đây là căn cứ khách quan do các trường ĐH có sự chủ trì (năm 2016), phối hợp (năm 2017, 2018) chứ không phải hoàn toàn do địa phương tổ chức. “Việc từng trường mở thêm một kỳ thi để phục vụ cho công tác xét tuyển sẽ khách quan hơn, nhưng phát sinh nhiều chi phí. Hơn nữa, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình tổ chức thi riêng. Nếu muốn tổ chức, chỉ có cách duy nhất là các trường cùng khối ngành đào tạo hợp tác tổ chức một kỳ thi chung với những môn thi phù hợp với ngành và chuyên ngành đào tạo” – ông Sơn nói.

Trước những ý kiến cho rằng kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 có nhiều kẽ hở, xảy ra tiêu cực, GS Sơn đưa ra giải pháp ngăn ngừa và hạn chế bằng việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm với các sai phạm. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy chế thi từ những phát sinh trong thực tế. Chẳng hạn, hiện nay phòng quản lý bài thi chỉ có dấu niêm phong dễ dàng làm giả hoặc thay thế một cách dễ dàng. Để xử lý tồn tại này, nên tổ chức quản lý bài thi tại một phòng theo cơ chế “3 khóa trên cùng một ổ”. Cụ thể, trưởng ban chỉ đạo thi một khóa, trưởng ban chấm thi một khóa, đại diện công an giữ một khóa. Thực hiện theo cách này, sẽ không xảy ra tiêu cực như vừa rồi tại Hà Giang, Sơn La.

Hiện nay kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm, bài thi tổ hợp. GS Đinh Văn Sơn cho rằng, nếu tiếp tục thi theo hình thức này thì nên theo hướng trắc nghiệm khách quan, thí sinh sẽ thi trên máy tính và biết kết quả ngay sau khi làm bài. Khi đó, không ai can thiệp vào bài làm của thí sinh, trừ trường hợp thi hộ. Và tiến tới một mức cao hơn khi điều kiện cho phép, đó là thi trực tuyến, kết quả thi đồng thời được chuyển về máy chủ của Bộ GD&ĐT quản lý. Với cách làm thế này, ông Sơn tin chắc sẽ không còn kẽ hở để phát sinh tiêu cực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần