Với tên gọi "Luật gia tương lai", cuộc thi được tổ chức với mục đích tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường thông qua các hoạt động giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh. Đồng thời, cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật vì mục tiêu phát triển toàn diện con người; giảm thiểu vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội ở độ tuổi vị thành niên.
Nội dung thi gồm các kiến thức pháp luật được giảng dạy trong nhà trường theo chương trình THPT, có mở rộng, cập nhật một số kiến thức pháp luật mới phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh THPT bao gồm: quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của thanh niên, học sinh (theo Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Giáo dục, Luật Nghĩa vụ quân sự…); các quyền dân sự cơ bản của công dân, lao động chưa thành niên (theo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Xử lý vi phạm hành chính); các hành vi bị nghiêm cấm (theo Bộ luật Hình sự, Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Pháp lệnh phòng chống mại dâm, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính); trách nhiệm pháp lý của lứa tuổi học sinh THPT (tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tuổi chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm bồi thường thiệt hại); nhận diện một số hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả và trách nhiệm pháp lý đối với một số hành vi thường diễn ra trong nhà trường (gây ô nhiễm môi trường; tai nạn thương tích, đuối nước; sức khỏe tình dục, sinh sản; phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, trộm cắp, trật tự an toàn xã hội; hành vi trái pháp luật thông qua mạng xã hội…); quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình… Thí sinh tham gia dự thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp trên máy vi tính theo phần mềm bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn với nhiều cấp độ (từ dễ đến khó). Một phần thi online/1 thí sinh dự thi kéo dài từ 15 - 20 phút, thời gian trả lời mỗi câu hỏi là 30 giây. Số lượng câu hỏi trong một phần thi online từ 30 - 40 câu. Quy mô cuộc thi được tổ chức theo 2 cấp: Cấp trường và cấp tỉnh. Tại cấp trường, mỗi trường lựa chọn 3 học sinh đạt điểm số cao nhất theo thứ tự từ cao xuống thấp để trao giải và tham gia dự thi cấp tỉnh, TP. Mỗi tỉnh, TP chọn 25 học sinh đạt điểm số cao nhất theo thứ tự từ cao xuống thấp để xét trao giải thưởng. Cuộc thi được tổ chức thí điểm tại tất cả các trường THPT trên địa bàn 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đồng Tháp trong năm 2016. Căn cứ vào kết quả thí điểm, liên Bộ xem xét nhân rộng trong phạm vi cả nước trong những năm tiếp theo và cho các nhóm đối tượng khác.