Thị trường bán lẻ hàng hóa tăng 9,6%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.661,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%).

Hoạt động thị trường bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ những tháng qua có nhiều yếu tố tích cực. Việc kiểm tra xử lý hàng ngoại không có hóa đơn chứng từ nhằm kiểm soát hàng nhập lậu được tăng cường.

Nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn khách hàng được triển khai tại các địa phương. Các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đấu tranh ngăn chặn những hành vi buôn lậu làm rối loạn thị trường.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong tháng 10, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 274,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 211 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 9,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 30,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1% và giảm 7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 25,9%; doanh thu dịch vụ khác đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và giảm 0,2%.

Như vậy, tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.661,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng đạt 2026,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng mức và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, một số ngành hàng tăng khá: Lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,7%; may mặc tăng 12,1%; phương tiện đi lại tăng 9,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 8,6%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng đạt 307,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, một số tỉnh, thành phố có mức tăng khá: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 11,2%; TP.HCM tăng 10,7%; Cần Thơ tăng 10,5%; Bình Thuận tăng 10,4%; Hà Nội tăng 5,5%. Một số tỉnh có doanh thu giảm mạnh: Yên bái giảm 26%; Điện Biên giảm 25,2%; Hưng Yên giảm 23,8%; Đắk Lắk giảm 15,2%.

Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,3%; Hà Nội tăng 5,1%; Lâm Đồng giảm 6,5%; Ninh Bình giảm 13,6%.

Doanh thu dịch vụ khác 10 tháng đạt 302,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng mức và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương có doanh thu dịch vụ tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Thanh Hóa tăng 15,9%; Phú Yên tăng 11,9%; Lâm Đồng tăng 10,9%; Hà Nội tăng 8%.